TPTN: Triển khai Luật hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật phòng, chống tham nhũng

11/19/2014 2:21:57 PM 1338

(Thainguyencity.gov.vn) Sáng 19/11/2014, UBND thành phố tổ chức hội nghị triển khai Luật hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Quản Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc thành phố; Hội viên Hội Luật gia thành phố, các đồng chí báo cáo viên pháp luật thành phố; Lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội 28 phường, xã trên địa bàn.

Ảnh hội nghị

      Hội nghị triển khai, phổ biến Luật hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và địa phương về vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới; tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Luật hoà giải ở cơ sở gồm 05 chương, 33 điều được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

      Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Báo cáo viên pháp luật thành phố truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật hòa giải ở cơ sở như: Khái niệm hòa giải; phạm vi điều chỉnh, phạm vi hòa giải ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở; hòa giải viên, tổ hòa giải; biên bản hòa giải và giá trị pháp lý của biên bản hòa giải; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở;...

       Cũng trong Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu những điểm mới của Luật PCTN và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật PCTN. Theo đó, để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra và kịp thời thể chế hóa chỉ đạo của Đảng, việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng là cần thiết. Trên cơ sở đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 (sau đây gọi chung là Luật phòng, chống tham nhũng) đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2012 tại kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/2/2013. Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, bao gồm: Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng - sau đây gọi chung là Nghị định 59 (thay thế Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/7/2013); Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập - sau đây gọi chung là Nghị định 78 (thay thế Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 và Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2013); Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2013 - gọi chung là Nghị định 90. Trong đó, Luật PCTN sửa đổi có một số điểm mới và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đó là: Về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Về hình thức và lĩnh vực thực hiện công khai, minh bạch;  Sửa đổi, bổ sung các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.

Đ/c Quản Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại hội nghị

       Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định đây là Hội nghị rất quan trọng giúp các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và địa phương nhận thức rõ về Luật hòa giải ở cơ sở, Luật phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị các đại biểu, các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban, đơn vị thuộc thành phố; UBND các xã, phường phải nghiên cứu kỹ các văn bản, tham mưu, giải quyết tốt công tác thuộc lĩnh vực mình quản lý; tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội, của nhân dân trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, tồn đọng, kéo dài…

Thu Hà