Phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh lở mồm long móng gia súc năm 2015

2/3/2015 5:59:06 PM 2044

(thainguyencity.gov.vn) Hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên nói riêng dịch bệnh cúm gia cầm, dịch bệnh tai xanh ở lợn, dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc diễn biễn hết sức phức tạp, do vậy nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan vào địa bàn thành phố là rất cao. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, nhằm khống chế không để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trên diện rộng, ngày 29/01/2015, UBND thành phố Thái Nguyên ban hành kế hoạch số 17/KH-UBND v/v phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, dịch bệnh tai xanh ở lợn, dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc trên địa bàn thành phố năm 2015 với những nội dung chủ yếu như sau

         Khi chưa có dịch xảy ra, yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt các nội dung như:

Về công tác thông tin tuyên truyền: Tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trên mọi hình thức về tình hình diễn biến dịch bệnh và kỹ thuật phòng chống bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh lở mồm long móng gia súc; công tác vệ sinh an toàn sinh học trong chăn nuôi cho hộ gia đình, cán bộ công nhân viên, học sinh để người dân nắm bắt và chủ động phòng ngừa. Phòng Kinh tế, Trạm thú y thành phố tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi trong vùng có dịch và các vùng xung quanh.

Về Công tác giám sát dịch bệnh: Yêu cầu UBND xã, phường thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 08/01/2015 của UBND thành phố Thái Nguyên về việc tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2015. Phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch đến từng hộ chăn nuôi, báo cáo về BCĐ thành phố (trực tiếp là Trạm thú y thành phố). Khi phát hiện gia súc gia cầm có triệu chứng lâm sàng về bệnh cúm, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng thì phải báo ngay cho cơ quan thú y biết để lấy mẫu gửi đi chẩn đoán xét nghiệm và tổ chức tiêu huỷ toàn bộ đàn gia súc, gia cầm đó theo đúng quy định của ngành thú y. Đồng thời thực hiện vệ sinh tiêu độc toàn bộ chuồng trại chăn nuôi, khu vực gia súc, gia cầm mắc bệnh và khu vực xung quanh. Kiểm tra chặt chẽ các cơ sở ấp nở, chăn nuôi thuỷ cầm trên địa bàn; lập danh sách, quản lý chặt chẽ các cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm và các cơ sở chăn nuôi để quản lý dịch bệnh, tiêm phòng vaccin triệt để và kiểm dịch vận chuyển con giống. Đình chỉ ngay những cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, xử lý vi phạm theo đúng quy định hiện hành. Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên về Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố theo số điện thoại 0280 3 852 132 và 0280 3855 802.

Phòng Kinh tế thành phố, trạm Khuyến nông thành phố, trạm Thú y thành phố cử cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường bám sát cơ sở theo dõi tình hình dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm. Khi phát hiện đàn gia súc, gia cầm có dấu hiệu của dịch bệnh phải phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh UBND xã, phường xử lý ngay theo đúng quy trình kỹ thuật, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.

Về công tác khử trùng tiêu độc: Triển khai tháng hành động vệ sinh khử trùng tiêu độc đợt I trên địa bàn thành phố Thái Nguyên năm 2015; Các xã, phường vận động nhân dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại, nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm bằng cách thu gom phân, rác, chất thừa, chất thải đốt và ủ với vôi bột. Thực hiện phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dùng vôi bột rắc xung quanh chuồng trại, đường đi, đường ra vào khu vực chăn nuôi. Đồng thời phun khử trùng tiêu độc định kỳ bằng hoá chất HanIodin 10%, Benkocid, Chloramin B... thực hiện phun khử trùng tiêu độc hàng ngày ở các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp, nở gia cầm, thủy cầm, cơ sở giết mổ, buôn bán, kinh doanh, chế biến gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Thực hiện công tác phun khử trùng tiêu độc định kỳ theo chỉ đạo của UBND thành phố, theo chu chuyển đàn gia súc, gia cầm, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại hàng tuần trong quá trình chăn nuôi.

Về công tác giám sát vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc gia cầm: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố tiếp tục chỉ đạo đội kiểm dịch liên ngành hoạt động, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát của cơ quan thú y, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y thì tịch thu tiêu huỷ (không hỗ trợ đền bù); Tăng cường kiểm tra các nhà hàng ăn uống, kinh doanh, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; Trạm Thú y thành phố phối hợp với UBND các xã phường, các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, tụ điểm kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Kiểm tra giám sát chặt chẽ nguồn gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ; UBND các xã, phường phối hợp với Ban quản lý các chợ, các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra và thực hiện chấm dứt ngay tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch thú y; Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp lệnh thú y về vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Về công tác tổ chức tiêm phòng vaccin cho đàn gia súc, gia cầm: Thực hiện tiêm phòng cho tất cả đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng. Lịch tiêm phòng: định kỳ tháng 3,4 và tháng 9,10. Hình thức tổ chức: tiêm tập trung trên địa bàn các xã, phường.

Khi có dịch xảy ra, thực hiện ngay các biện pháp sau:

1. Thực hiện ngay các biện pháp chống dịch

2. Bao vây, khoanh vùng dịch.

3. Mổ khám, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

4. Tổ chức tiêu huỷ gia súc, gia cầm theo đúng quy trình kỹ thuật.

5. Thực hiện triệt để công tác khử trùng tiêu độc.

6. Giám sát chặt chẽ khu vực có dịch và những vùng xung quanh.

7. Thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch

8. Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động 24h/ ngày.

Phương Lan - Thanh Tú

Tin Nổi bật

Tin Liên quan