Kinh tế năm 2011: Châu Á tỏa sáng

1/4/2012 3:32:48 PM 1084

Năm 2011 kết thúc trong bối cảnh nền kinh tế kinh tế châu Âu được ví như đang đứng bên bờ vực thẳm còn châu Á lại như ngọn hải đăng hy vọng.

Các chỉ số tăng trưởng GDP cho người ta thấy 2 xu hướng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, giữa một bên là phương Đông mới nổi và một phương Tây đang sa sút.

Khủng hoảng tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) không ảnh hưởng tới các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của châu Á một cách nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản thứ cấp tại Mỹ năm 2008-2009 từng gây ảnh hưởng lớn tới thương mại toàn cầu.

Nhật Bản đang cố gắng phục hồi sau thảm họa thiên tai hồi tháng 3/2011 trong khi Thái Lan cũng đang nỗ lực giải quyết hậu quả của việc hàng hóa bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt.

Nguồn dự trữ tài chính lớn của Trung Quốc đã tạo ra một xu hướng mới trên thế giới. Nhiều chính khách nước ngoài, trong đó có Tổng thống Pháp Sarkozy, đã tới Bắc Kinh với mục đích thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc đóng góp tài chính nhằm cứu vãn nền kinh tế châu Âu.

Theo một báo cáo trong tuần qua của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thương mại giữa các quốc gia trong khu vực cùng xu hướng tiêu dùng nội địa tăng do tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều sẽ giúp cho châu Á tránh khỏi hậu quả tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu. ADB đánh giá hệ thống tài chính châu Á “ít bị ảnh hưởng” bởi tính bất ổn của thị trường tín dụng và tiếp tục duy trì được dòng vốn đầu tư đổ vào.

ADB cho rằng châu Á đã dựng lên “một bức tường thành” chống lại những khó khăn tại các thị trường phương Tây bằng cách tăng cường thương mại và hòa nhập tài chính trong khu vực, và mở rộng quan hệ với các nền kinh tế mới nổi khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng thành công của châu Á sẽ không thể tự nhiên mà lặp lại được trong năm 2012, đặc biệt là nếu châu Âu rơi vào suy thoái.

Hai nền kinh tế trụ cột của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ đã bộc lộ những khó khăn. Cụ thể là trong quý III/2011, thị trường xuất khẩu suy giảm, nhu cầu nội địa giảm trong khi nợ nần leo thang và sản xuất có phần trì trệ.

Các chỉ số tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Hongkong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đều nằm ở mức thấp. Theo Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này trong năm 2011 đã chậm xuống còn 9,2%, so với con số ấn tượng là 10,4% trong năm 2010. Viện chính sách cũng dự báo mức tăng trưởng năm 2012 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 8,9%, mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây.

Còn ở Ấn Độ, Chính phủ nước này đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho tài khóa tính đến tháng 3/2012 xuống còn 7,3% so với con số ban đầu là 9%. Mức 7,3% - tuy khiến bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng phải ghen tị - vẫn là quá thấp so với mức cần thiết là 10% đủ để giải quyết tình trạng nghèo đói tại Ấn Độ.

Đó cũng là những thách thức thấy trước của kinh tế khu vực châu Á, đòi hỏi nỗ lực mới.

Tin Nổi bật

Tin Liên quan