Nặng lòng với cây chè

9/16/2013 7:56:58 AM 1044

Sinh ra và lớn lên ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), từ thời thơ ấu chị đã gắn bó với những đồi chè. Tiếp nối truyền thống gia đình, chị không ngừng tìm tòi, học hỏi để đưa cây chè của vùng quê mình ngày càng có giá trị kinh tế cao. Người chúng tôi muốn nói đến là chị Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Tân Hương (HTX)...

 

Hiện nay, gia đình chị Nhài có hơn 1 mẫu chè, chủ yếu là các loại chè cành cho năng suất cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ.

Dưới làn mưa nhẹ xen lẫn chút se lạnh đầu thu, chúng tôi tìm đến làng nghề chè truyền thống Cây Thị, xã Phúc Xuân. Men theo những đồi chè mơn mởn nối tiếp nhau, chúng tôi tha hồ hít hà không khí trong lành, thanh mát. Tại đây, chị Nhài cùng các xã viên đang hái chè chuẩn bị sản xuất trà trắng - loại trà mới được chế biến thử nghiệm thành công của Hợp tác xã Chè Tân Hương.    
 
- Tôi lớn lên cùng cây chè, nó đã sớm trở thành niềm yêu thích của tôi nhờ những công dụng tuyệt vời như: để uống, sát trùng vết thương, tắm cho trẻ nhỏ... Thế nhưng tôi cũng luôn thắc mắc, chè ở vùng Tân Cương (các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu được chỉ dẫn địa lý là vùng chè Tân Cương - PV) vốn đã có tiếng, người dân vất vả lao động mà khi bán ra giá chưa được cao. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới để mang lại giá trị cao hơn cho cây chè. Chị Nhài vừa thoăn thoắt hái chè vừa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
 
Nhắc đến trà trắng, chị say sưa: Để làm được loại trà này đòi hỏi những yêu cầu rất gắt gao. Khác với các loại chè khác, búp chè để làm trà trắng phải được hái từ lúc chưa nở hết, khi đó bên ngoài có là một lớp lông tơ màu trắng. Lớp lông tơ này sẽ được giữ nguyên trong suốt quá trình chế biến và xử lý để tạo nên hương vị riêng cũng như chính tên gọi của nó: trà trắng. 3 loại chè cành là Kim Tiên, Phúc Vân Tiên và chè lai dùng để làm trà trắng và chỉ hái từ tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch) khi đó thời tiết râm mát và búp chè lên khỏe, căng. Mỗi người cầm một chiếc rổ, hái từng lượng nhỏ, hái 1 tôm như làm chè Đinh hoặc 1 tôm, 1 lá vẫn cụp, người hái phải nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh dập nát. Chè sau hái được rải đều trên tấm lưới để héo tự nhiên. Sau khoảng vài tiếng, chè được diệt men để búp mềm, giảm mùi hăng ngái, sau đó sấy khô vừa tới rồi mang sao. Cùng là loại trà hảo hạng nhưng làm trà trắng không cần vò sau khi diệt men như chè Đinh. Điều tối kỵ khi làm trà trắng là vẫn giữ được lớp lông tơ bảo vệ và búp không bị nát. Chẳng thế mà xã viên HTX đùa nhau rằng làm trà trắng phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
 
Nghe chị Nhài hào hứng, say sưa nói về các công đoạn chế biến chè, chúng tôi phần nào cảm nhận được tình yêu, niềm đam mê chị dành cho cây chè. Trong hương chè quấn quýt, chị Nhài và chị Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương mời chúng tôi thưởng thức tách trà trắng nóng hổi. Trà khô khi chưa pha phủ lớp lông tơ, cầm lên tay búp có độ dẻo, thơm dịu. Khi pha, nước trà có màu trắng, xanh nhẹ gần giống với màu nước rau bắp cải luộc. Nhấp trà, chúng tôi thấy đầu lưỡi thanh mát, vị êm, ngọt nhẹ chứ không chát như uống những loại trà khác. Một điều thú vị chúng tôi khám phá được là bã chè có màu xanh nõn chuối và còn nguyên hình dạng của búp chè như khi vừa hái. Chị Nhài cho biết thêm: Hiện HTX đã dành riêng 15 sào để làm trà trắng (trên tổng số hơn 10ha chè của HTX), tập hợp một đội ngũ xã viên chuyên nghiệp chế biến để tạo ra sản phẩm chè cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX đang hoàn thiện các bước còn lại cho khâu ra mắt sản phẩm đúng dịp Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam 2013 với tên gọi Bạch Ngọc Trà, dự kiến số lượng khoảng 1 tạ, giá bán tương đương chè Đinh: từ 3 - 3,5 triệu đồng/kg.

  Để cho ra đời sản phẩm cao cấp Bạch Ngọc Trà này, chị Nhài và các xã viên đã phải bỏ ra không ít tâm lực, trí tuệ và quan trọng hơn cả là sự say mê, dày công tìm tòi thực hiện từng công đoạn chế biến. Theo lời chị Nhài kể thì ý tưởng sản xuất loại trà này đến rất ngẫu nhiên với các chị. Tháng 6-2013, các xã viên của HTX được tham gia lớp tập huấn về chế biến chè xanh do giảng viên Vũ Văn Hào, Hiệp hội Chè Việt Nam truyền đạt. Khi thầy Hào nhắc đến trà trắng, chị Nhài nhớ ra cách đây mấy năm đã được một người nước ngoài tặng uống thử, rất ngon. Chị lên mạng tìm hiểu về trà trắng (White tea) và rất thích thú với loại trà này. Ngay sau buổi tập huấn đầu tiên, chị bàn cùng chị Hiệp mạnh dạn thử nghiệm luôn bởi Thái Nguyên chưa có chỗ nào sản xuất loại trà cao cấp này. Lần đầu các chị thất bại vì búp chưa được xử lý đúng cách nên trà có mùi ngái. Mấy đêm liền về nhà chị không tài nào ngủ được, lục cục ra vườn hái chè, sấy, sao. Cứ làm đi làm lại, chị đã tìm ra nguyên nhân thất bại. Đó là các chị đã không diệt men mà sấy ngay. Sau đó các chị đã sao thành công 1,5 kg ban đầu. Khi pha trà mời thầy Hào uống, thầy tấm tắc khen và động viên HTX sản xuất loại trà này.

 
 
Sản phẩm Bạch Ngọc Trà đã được chị Nhài và các xã viên thử nghiệm sản xuất thành công, chuẩn bị mang tới Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam 2013.
 
        Hơn 30 năm gắn bó với cây chè, từ 3 sào chè "của hồi môn" cha  mẹ cho ra ở riêng làm vốn ban đầu, đến nay, gia đình chị Nhài đã có hơn 1 mẫu, chủ yếu là chè cành giống mới như Kim Tiên, Phúc Vân Tiên, TRI 777, chè lai. Mỗi lứa, chị thu được 150kg chè búp khô, với 7 lứa/năm, sản lượng khoảng hơn 1 tấn. Cây chè đã giúp gia đình chị có cuộc sống sung túc.

       Tham gia HTX chè Tân Hương ngay từ những ngày đầu HTX đi vào hoạt động (2001) đến năm 2011 chị được bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX. Cũng trong năm này, chị cùng chị Hiệp đã có nhiều đóng góp để sản phẩm chè của HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu) đầu tiên và duy nhất tại Thái Nguyên. Làm chè theo tiêu chuẩn UTZ giúp sản phẩm chè an toàn của gia đình chị Nhài cũng như các xã viên HTX bán ra thị trường có giá bình quân từ 200.000-250.000 đồng/kg, cao hơn các vùng chè nguyên liệu khác khoảng 20%, thêm vào đó môi trường sống trong lành hơn và lương tâm người làm chè cũng thấy nhẹ nhõm. Nhận xét về chị Nhài, Chủ nhiệm HTX Đỗ Thị Hiệp nói: Chị Nhài đã làm tốt nhiều việc của HTX như kế toán, trưởng ban kinh doanh, chủ tịch công đoàn. Chị cũng là người chịu trách nhiệm chính đảm bảo sự thành công trong quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ của HTX và gần đây nhất là loại Bạch Ngọc Trà.

       Còn chị Nguyễn Thị Nhung, ở xóm Cây Thị thì nói: Chị Nhài là một Chi hội trưởng Phụ nữ xóm năng động, vui tính, đoàn kết, hòa đồng với mọi người … Được biết, Chi hội Phụ nữ xóm Cây Thị có 95 hội viên, hằng năm đều được Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã đánh giá là có phong trào làm kinh tế tốt, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi hội tiên tiến.

        Với niềm đam mê hết mình cho cây chè, tin tưởng rằng những thành quả mà chị Nhài và các xã viên đạt được từ sản phẩm chè nói chung, Bạch Ngọc Trà nói riêng sẽ được ghi nhận, góp phần đưa Trà Thái không chỉ được quảng bá và biết đến trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế.

 
Linh Lan - Khánh Huyền
(nguồn: baothainguyen.org.vn)

Tin Nổi bật

Tin Liên quan