Giải quyết chế độ cho cựu TNXP: Vướng mắc ở đâu?

9/17/2013 2:32:21 PM 872

(TN)- Đi qua 2 cuộc chiến tranh, những thanh niên xung phong (TNXP) khi đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân và cả xương máu để góp phần bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc trở về với cuộc sống đời thường, có nhiều TNXP có hoàn cảnh hết sức khó khăn và chưa được hưởng những trợ cấp chính đáng của Nhà nước.

Cựu TNXP Trần Thị Hương, tổ 17, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) đã làm nghề chở than tổ ong để kiếm sống hơn 10 năm nay.

Tôi không khỏi thương cảm khi chứng kiến cảnh cựu TNXP Trần Thị Hương còng lưng đẩy xe than tổ ong trĩu nặng trên con đường ngõ nhỏ hẹp. Mồ hôi chảy lấm tấm trên khuôn mặt đỏ gay vì nắng của chị, bộ quần áo xanh công nhân đã sờn bạc và lấm lem bởi bụi than. Tới mỗi gia đình đặt mua, chị lại tất tả chuyển số than theo yêu cầu vào bếp cho chủ nhà. Chị bảo: Làm cái nghề này vất vả nhưng tiền công chẳng được là bao, tính ra mỗi viên chỉ được lãi 200 đồng. Khách ở ngay đường trục chính còn đỡ, có nhà trong ngõ, sâu xe không đẩy vào được thì phải khuân bằng tay, có nhà lại phải chuyển lên tận tầng ba, tầng bốn”.

  Năm 1972, khi tròn 20 tuổi, chị làm đơn tình nguyện tham gia TNXP và được phân công vào đơn vị C5, Đại đội 255, thuộc Tổng cục TNXP, tham gia mở đường tại Lào. Năm 1973, chị Hương bị thương nặng ở vùng đầu và vai khi đang cùng đơn vị mở đường 217B, thuộc tỉnh Sầm Nưa (Lào). Trở về địa phương năm 1975, chị làm công nhân tại Xí nghiệp Lắp máy điện, thuộc Công ty Xây lắp Thái Nguyên và nghỉ mất sức năm 1990. Căn nhà tập thể rộng chưa đầy 40m2 tại tổ 17, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) giờ là nơi sinh sống của 4 người gồm chị Hương, con gái và 2 cháu ngoại. Vì con gái chưa xin được việc, lại phải chăm con nhỏ nên toàn bộ sinh hoạt gia đình trông vào đồng lương hưu ít ỏi và xe than của chị. Chị Hương kể: “Năm 2007, Bệnh viện A Thái Nguyên đã khám và chứng nhận tôi mất 21% sức khỏe. Hồ sơ xét hưởng chế độ thương binh của tôi có cả giấy chứng nhận của đơn vị và Bộ Giao thông - Vận tải đã được gửi lên tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”.

Trường hợp của cựu TNXP Nguyễn Thị Hợi và Bùi Thị Xuyên, cùng ở xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) cũng đã nhiều năm làm hồ sơ nhưng chưa được giám định sức khỏe để hưởng chế độ. Cả 2 cùng tham gia TNXP một ngày và thuộc Đại đội 914, Đội 91 TNXP Bắc Thái. Năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa tại Ga Quán Triều, 2 chị đã bị trúng bom và bị thương. Trở về đời thường, mỗi khi trái gió trở trời là vết thương ở cột sống của chị Hợi lại tái phát, chồng chị cũng là một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe yếu. Gia đình chị  Xuyên thuộc diện hộ nghèo, 10 nhân khẩu gồm 4 thế hệ sống chung trong căn nhà gỗ ọp ẹp. Mẹ chồng chị năm nay đã gần 100 tuổi, bị mù cả 2 mắt đã mấy chục năm nay. Cơn bão số 7 vừa qua khiến căn nhà của gia đình chị Xuyên bị hư hại nặng nhưng vẫn chưa có điều kiện sửa chữa. Chị Xuyên chia sẻ: “Tôi và chị Hợi đã làm hồ sơ xin giám định sức khỏe để làm chế độ thương binh từ năm 2005 nhưng đến giờ vẫn chưa được. Chúng tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi rồi, chẳng sống được bao lâu nữa, chỉ mong được giải quyết sớm chế độ để tuổi già đỡ tủi thân”.
Ông Nguyễn Sơn Hà, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Bảo Cường cũng làm hồ sơ (gồm đủ giấy tờ của đơn vị, giấy ra quân) từ năm 2008 nhưng chưa được hưởng chế độ. Trong số 4 người con của ông, có một người bị ảnh hưởng chất độc da cam và đã mất từ năm 2011. Ông Hà kiến nghị: Mức trợ cấp dành cho cựu TNXP hiện còn rất thấp, chỉ 2,5 triệu đồng cho những người tham gia dưới 2 năm, nếu trên 2 năm, mỗi năm tiếp theo sẽ được thêm 800 nghìn đồng. Tôi cũng đề nghị cấp trên có chế độ phụ cấp cho Phó Chủ tịch Cựu TNXP cấp phường, xã để chúng tôi đỡ thiệt thòi.

Ông Nguyễn Hữu Nhâm, Chủ tịch Cựu TNXP huyện Định Hóa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa còn khá nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Trong số 548 cựu TNXP, có 4 trường hợp gửi hồ sơ để làm thủ tục chứng nhận thương binh nhưng chưa được giải quyết; 8 trường hợp khác chưa làm được hồ sơ bởi vướng mắc từ các văn bản, hướng dẫn của cấp trên.

Tính chung toàn tỉnh, hiện vẫn còn hơn 100 cựu TNXP chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần, số người đã có hồ sơ hoặc vướng mắc thủ tục làm hồ sơ để được hưởng chế độ thương binh cũng không hề nhỏ. Mong muốn của rất nhiều cựu TNXP là sớm có cơ chế giải quyết dứt điểm các hồ sơ đề nghị xét chế độ còn tồn đọng và tăng mức hỗ trợ một lần để họ bớt thiệt thòi, vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.
 
Tại Hội nghị tổng kết, biểu dương và phát huy vai trò nhân chứng lịch sử giúp Đảng, Nhà nước ban hành và giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP kháng chiến diễn ra ngày 10-9 tại Hà Nội vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện những hướng dẫn của Quốc hội, Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Các Bộ, ngành, địa phương cũng phải tiếp tục chủ động, tích cực trong việc tham mưu với Quốc hội, Chính phủ để giải quyết những tồn đọng về chế độ, chính sách đối với cựu TNXP. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cần chủ động phối hợp với Hội Cựu TNXP Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền những kiến nghị của cựu TNXP; kịp thời đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước những nội dung còn vướng mắc cần giải quyết.

Hồng Tâm 

(nguồn: baothainguyen.org.vn)

Tin Nổi bật

Tin Liên quan