Doanh nghiệp ngành Thép: Nỗ lực khai thông bế tắc

10/24/2013 10:25:28 AM 1126

Đã mấy năm liền, các doanh nghiệp (DN) ngành Thép của cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng phải gồng mình trải qua những “sóng gió” của thị trường. Năm 2013 này, những tác động xấu của nền kinh tế tiếp tục khiến nhiều DN ngành Thép phải giảm công suất, tiết kiệm chi phí, chú trọng lưu thông, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh và sắp xếp lại lao động để có thể duy trì hoạt động, bám trụ thị trường.

 

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất và đảm bảo việc làm, thu nhập cho gần 5.600 lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thì năm 2013, thị trường tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Các sản phẩm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành Thép đều tăng mạnh trong thời gian ngắn, nhưng lại giảm giá trong thời gian dài và thiếu tính ổn định. Hơn nữa, tốc độ giảm giá bán bình quân của sản phẩm phôi thép thành phẩm lớn hơn rất nhiều so với tốc độ giảm giá bán bình quân của quặng sắt và phế liệu đầu vào. Mặt khác, thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài, khiến các dự án xây dựng bị đình trệ, làm thị trường thép bế tắc đầu ra, dẫn tới hàng tồn kho lớn. Trong khi đó, các sản phẩm thép sản xuất trong tỉnh lại phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Tình trạng trên kéo dài khiến nhiều DN trong ngành Thép của tỉnh phải điêu đứng. Một số Nhà máy sản xuất thép trên địa bàn có tháng phải dừng lò hàng chục ngày và giảm công suất xuống còn từ 40% đến 50%, thậm chí có trường hợp phải giảm sâu tới mức 20% để duy trì sản xuất và giữ chân công nhân. 9 tháng năm 2013, sản lượng các sản phẩm thép trên địa bàn tỉnh mới đạt 475,2 nghìn tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 49% kế hoạch năm.

Trong bài viết này chúng tôi muốn lấy Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, “người anh cả” trong ngành Thép ở địa phương để làm ví dụ. Đây là DN đứng đầu ngành cả về quy mô, giá trị sản lượng lẫn sản phẩm cung ứng. Thời gian qua, DN này đã phải đối mặt với cả những khó khăn chung của ngành Thép và những vấn đề nội tại của đơn vị. Do thị trường tiêu thụ hạn chế đã khiến DN phải thay đổi theo hướng giảm giá bán thép thành phần một số lần. Hiện nay, giá bán thép dây và thép cây tùy từng chủng loại tại Công ty (chưa gồm thuế VAT) đang ở mức từ 13,1 triệu đồng/tấn đến hơn 14 triệu đồng/tấn. Các sản phẩm thép hình cũng đang dao động từ 13,6 triệu đồng/tấn đến 14,2 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá thép hiện đang thấp hơn từ 5 đến 8 triệu đồng/tấn so với thời điểm giá bán cao nhất. Mặc dù thép đã giữ ở mức giá thấp, nhưng lượng hàng tiêu thụ còn khá khiêm tốn. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty được gần 400 nghìn tấn, đạt khoảng 70% kế hoạch năm. Năm 2012, lợi nhuận thu về của Công ty chỉ tương đương với năm 2011, và năm 2013 này dự kiến lợi nhuận cũng không nhỉnh hơn năm trước là bao nhiêu.

Trước tình trạng đó, cũng giống như nhiều DN khác trong ngành Thép, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã tiến hành một loạt các biện pháp từ cắt giảm sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tiết kiệm chi phí giá thành sản phẩm. Người đứng đầu Công ty, ông Trần Văn Khâm, Tổng Giám đốc cho biết, DN đã phải rà soát lại mọi hoạt động để cắt giảm những chi phí không cần thiết, đồng thời giao khoán tiết kiệm bắt buộc với các đơn vị thành viên. Cùng với đó, Công ty cũng triển khai các cơ chế khuyến khích áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng như những công nghệ hiện đại vào sản xuất. Qua đó, đã tiết giảm được 1,5% chi phí giá thành, góp phần tạo thêm lợi nhuận của sản phẩm.

Là DN lớn, hình thức sản xuất khép kín từ khai thác chế biến đến tiêu thụ nên khó khăn của Công ty bị tác động cùng một lúc ở nhiều khâu. Công ty hiện đang gặp trở ngại trong việc huy động vốn đầu tư đối với một số dự án tại các nhà máy. Nhà thầu thực hiện các dự án này đều trong tình trạng “đói” vốn để triển khai đầu tư xây dựng nên một số dự án buộc phải chậm tiến độ. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Công ty thì “dù việc thu xếp vốn khó khăn, nhưng vẫn phải tìm mọi biện pháp để triển khai bởi các dự án đều đã và đang đầu tư giá trị lớn, không thể dừng giữa chừng”. Sau một thời gian triển khai gặp khó khăn, hiện nay Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty (dự án sống còn của đơn vị trong tương lai) đã bắt đầu có hướng mở. Mới đây, Chính phủ đã nhất trí cho điều chỉnh tăng lên 4.300 tỷ đồng (dự toán ban đầu là 3.800 tỷ đông). Ngoài ra, Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo hệ thống Ngân hàng nhất trí cho vay số tiền tăng thêm để đầu tư dự án. Được biêt, phía Bộ Công Thương và Tổng Công ty thép Việt Nam cũng đã hứa sẽ “kề vai, sát cánh” tháo gỡ khó khăn cho Công ty. Phía tỉnh Thái Nguyên, trên cơ sở điều kiện cho phép cũng đứng ra cùng giải quyết những vướng mắc, tồn tại của DN. Việc có đủ điều kiện để triển khai giai đoạn II của Công ty sẽ tác động mạnh đến việc giải quyết khó khăn lâu dài cho DN. Bởi đây là một trong 2 dự án lớn nhất của ngành Thép cả nước sản xuất phôi từ lò cao với dung tích 550m3, thay thế toàn bộ dây chuyền sản xuất bằng lò điện và lò trung tần, tiêu thụ điện năng lớn mà Công ty đang sử dụng nhiều năm nay. Với những nỗ lực vượt khó của mình, Công ty hiện vẫn duy trì việc làm đều đặn cho công nhân và đảm bảo mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng cho gần 5.600 lao động.

Những khó khăn, vướng mắc của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng là những điểm chung mà các DN khác trong ngành Thép của tỉnh gặp phải. Các DN trong ngành Thép đang nỗ lực tiết kiệm chi phí, cải tiến kỹ thuật, tìm kiếm thị trường. Hầu hết DN đều chú trọng đến xây dựng mối quan hệ mật thiết với các nhà phân phối bằng cơ chế hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tổ chức hội nghị khách hàng, linh hoạt trong chính sách giá cả thị trường…

Tình hình thị trường thép những tháng cuối năm đã có những tín hiệu khả quan hơn, song nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi sự trầm lắng. Bởi vậy, đòi hỏi các DN trong ngành Thép tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì nhịp độ sản xuất, đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Nguyễn San

(Nguồn: Baothainguyen.org.vn)

Tin Nổi bật

Tin Liên quan