Chuyển đổi cây trồng phù hợp với thị trường

11/4/2013 10:39:00 AM 1585

Từ năm 2012 trở lại đây, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo thị trường hoa, cây cảnh cũng rất ảm đạm. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, yêu cây, người dân Làng nghề Sinh vật cảnh xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) vẫn quyết tâm theo nghề đến cùng.

 

Ông Đỗ Ngọc Phùng, ở xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đang chăm sóc vườn hoa Phong lan của gia đình.

Giàu lên nhờ trồng cây cảnh

Cơ duyên gắn bó với nghề trồng, chăm sóc, kinh doanh cây cảnh với chị Ứng Thị Hạnh, ở xóm Gò Móc bắt nguồn từ niềm đam mê, yêu thích cây cối. Chị Hạnh kể: Vào những năm 2000, tôi làm nghề buôn bán hoa quả để kiếm sống và nuôi con. Dành dụm được chút tiền lãi, tôi mua cây cảnh về trồng xung quanh nhà và cắt tỉa theo ý thích. Dần dà, có khách quen đến đặt hàng thường xuyên; đồng thời, nhận thấy đây là nghề cho thu nhập cao, từ năm 2008, tôi bắt đầu mở rộng quy mô diện tích lên 7.000m2 đất để trồng và chăm sóc cây cảnh... Đến nay, vườn cây của gia đình chị không chỉ cung cấp những cây có dáng, có thế cho những người đam mê, yêu thích cây cảnh mà còn là nơi cung cấp cây bóng mát, cây hoa, lá trang trí cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ phải lo ăn từng bữa, đến nay, gia đình chị Hạnh đã có doanh thu trên 600 triệu đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Gia đình anh Đỗ Ngọc Khiết, ở xóm Gò Móc cũng là một trong những hộ giàu lên nhờ trồng cây cảnh. Theo anh Khiết, thời điểm những năm 2008, 2009, cây cảnh được giá, có những cây Sanh anh bán với giá vài trăm triệu đến một tỷ đồng. Có tiền, anh lại đầu tư mua cây phôi về chăm sóc. Nhờ cây cảnh, gia đình anh đã xây được nhà cửa khang trang, sắm sửa được các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt và lo cho con cái ăn học. Hiện tại, mặc dù thị trường trầm lắng nhưng anh vẫn duy trì hơn chục cây có giá trị như Sanh, Đa, Sung, Lộc Vừng.

Được biết, nghề trồng cây cảnh đã phát triển ở xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng từ những năm 2000 với trên dưới 100 hộ tham gia. Ngoài  việc trao đổi, tư vấn kỹ thuật tỉa cây, uốn thế, tạo "sẹo" và hỗ trợ nhau trong việc vận chuyển, trao đổi, buôn bán cây cảnh, Hội Sinh vật cảnh xã Quyết Thắng (được thành lập năm 2008) còn cử hội viên đi học tập kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng thị trường cây cảnh, cây thế trong và ngoài tỉnh để sản xuất tại địa phương. Vì thế, cây cảnh, cây thế của Quyết Thắng rất đa dạng với đầy đủ các thế như: Long giáng, Long trực, Trực hoành, Trực huyền, Huynh đệ, Ngũ phúc, Bạt phong hồi đầu, Cửu phẩm... Lúc thịnh vượng, cả làng nhộn nhịp người, xe ra vào chở hàng đi tiêu thụ khắp nơi. Bộ mặt của xóm được thay đổi rõ rệt, nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt hiện đại.

Quyết tâm bám trụ với nghề

Từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường cây cảnh bắt đầu trầm lắng, giá trị cây chỉ còn bằng 30-50% so với trước. Riêng thị trường cây thế có giá từ vài trăm triệu trở lên gần như “đóng băng”. Nhận thấy, việc tiêu thụ các loại cây thế với giá bán cao trong vòng 1, 2 năm trở lại đây bị chững, các hộ dân của làng nghề hiện đang tập trung đầu tư vào các loại cây với giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chậu, phù hợp với nhu cầu của thị trường, dễ tiêu thụ. Ngoài ra, các loại cây bóng mát như: Lộc vừng, Ngọc Lan, Hoàng Yến và các loại cây trồng thảm, cây cho hoa cũng đang rất đắt hàng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, người dân làng nghề còn đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm và tư vấn cách bày trí cây cảnh theo phong thủy, cách chăm sóc cây. Ông Đỗ Ngọc Phùng, một trong những người có thâm niên trồng, chăm sóc cây cảnh của xóm Gò Móc chia sẻ: Có những loại cây thế được trồng lâu năm, lúc cao điểm được định giá hàng trăm triệu đồng, đến giờ giảm xuống còn giá từ 30-40 triệu đồng mà vẫn không có người mua. Nếu như năm 2010, từ cây cảnh, gia đình tôi thu khoảng 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng thì từ đầu năm đến nay, tôi mới bán được gần 400 triệu đồng, chủ yếu là bán cây phôi, hoa. Hiện nay, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong xóm đang tập trung đầu tư vào những cây nhỏ, với giá bán vài triệu đồng, còn những cây có giá trị thì vẫn chăm sóc đợi khi nào thị trường cây cảnh ấm lên sẽ bán. Chúng tôi không nản chí, bởi không như những loại hàng hóa khác, cây cảnh càng để lâu càng có giá. Tuy nhiên, nhiều gia đình hiện cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn để phát triển sản xuất.

Đồng chí Hà Thị Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Để hỗ trợ người dân, trước mắt, chúng tôi chỉ đạo bà con xóm Gò Móc giải phóng mặt bằng để xây cổng làng nghề; đồng thời chuẩn bị những cây cảnh đẹp nhất đem trưng bày tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai năm 2013 nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn ưu đãi từ các Ngân hàng để quay vòng sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định.

Lương Hạnh

(Nguồn: Baothainguyen.org.vn)

Tin Nổi bật

Tin Liên quan