Thành phố Thái Nguyên chưa có trường hợp nào được chuẩn đoán xác định là mắc Sởi.

4/22/2014 11:47:18 AM 788

Hiện nay, dịch sởi đang diễn biến rất phức tạp trên các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của thành phố Thái Nguyên trong công tác chủ động phòng, chống dịch sởi, tính đến nay trên địa bàn thành phố hiện chưa có dịch sởi xảy ra.

      Từ đầu năm 2014 đến nay, theo báo cáo của phòng Y tế và Trung tâm y tế thành phố chưa có trường hợp nào được chuẩn đoán xác định là mắc Sởi. Báo cáo ghi nhận được 11 ca sốt phát ban nghi Sởi (đã điều trị tại Trung tâm y tế thành phố và các bệnh viện trên địa bàn thành phố); 25 ca nghi Sởi tại Trường THCS Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên; Thành phố đã chỉ đạo phòng Y tế, Trung tâm y tế, Đội y tế dự phòng chủ động trong công tác phòng chống dịch, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, các nhà trường hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh lây lan bệnh ra diện rộng. Sáng nay 22/4, tại Trường THCS Chu Văn An, Trung tâm Y tế thành phố tiếp tục giám sát, lấy mẫu máu xét nghiệm và tiếp tục hỗ trợ các biện pháp phòng chống dịch sởi tại trường.

Cán bộ Trung tâm y tế thành phố đang lấy mẫu máu xét nghiệm cho học sinh trường THCS Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên

      Trước tình hình trên, để tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do dịch, UBND thành phố tiếp tục có ban hành Công văn số 392/UBND-YT ngày 21/4/2014 v/v tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi. Trong đó, thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai ngay một số nội dung như:

    1. Các cơ sở y tế trên địa bàn trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của thành phố tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sởi theo chức năng, nhiệm vụ quy định; chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, điều trị với quy trình, nội quy và phương tiện đúng theo quy định tại Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị sởi.

      2. Khi có dịch xảy ra:  Các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai thực hiện Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị sởi; Trung tâm Y tế thành phố cử các đội phòng, chống dịch cơ động tới các địa bàn có dịch xảy ra để hỗ trợ công tác xử lý và phòng chống dịch; Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp; Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi; Giám sát chặt chẽ tình hình, tổng hợp diễn biến thường xuyên báo cáo theo quy định.

    3. Phân công nhiệm vụ:

    - Phòng Y tế thành phố, Trung tâm Y tế thành phố chủ động: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng, chống dịch sởi, vận động người dân đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố, chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, kinh phí, nhân lực đáp ứng công tác phòng, chống khi có dịch; Tổ chức thực hiện việc giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi trên địa bàn, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch (nếu có), không để dịch lây lan sang diện rộng và kéo dài; Tăng cường quản lý bệnh nhân nghi sởi, điều trị kịp thời, phòng chống tử vong, thực hiện cách ly bệnh nhân nghi mắc sởi với các bệnh nhân khác, hướng dẫn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng lây nhiễm cho những người xung quanh; Tổ chức triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi chống dịch cho trẻ từ 01- 10 tuổi, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo Quy định của Bộ Y tế; Báo cáo thường xuyên cho UBND thành phố về diễn biến tình hình bệnh sởi và tham mưu công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

    - Phòng Giáo dục&Đào tạo thành phố: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo dõi sát sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi để được cách ly và điều trị, thông báo ngay cho Trung tâm Y tế thành phố biết để có hướng xử lý kịp thời; Phối hợp với ngành Y tế thành phố triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

     - Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố: tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền phòng chống bệnh sởi để người dân hiểu đúng và biết cách phòng ngừa, đưa trẻ em đi tiêm phòng Sởi đầy đủ; thông tin cho người dân không hoang mang lo lắng, khi trẻ có dấu hiệu bệnh nên đưa trẻ đến cơ sở khám và điều trị kịp thời, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện tuyến trên, tránh lây nhiễm sởi trong bệnh viện.

     - UBND các xã, phường: Chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương tiến hành rà soát tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt tiêm phòng sởi, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung, đảm bảo tỷ lệ tiêm sởi đầy đủ, đúng lịch. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi và trang thiết bị phòng, chống dịch ở địa phương; Tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng về phòng chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm phòng sởi đủ mũi, đúng lịch.

Phương Lan - Tuấn Anh

Nguồn: thainguyencity.gov.vn

Tin Nổi bật

Tin Liên quan