Vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp ở Túc Duyên

5/9/2014 5:43:18 PM 1987

Đã có thời điểm, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) là vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp với những cánh đồng hoa, rau màu… cung cấp cho thành phố và các vùng phụ cận. Nhưng 5 năm trở lại đây, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp ở Túc Duyên đã được sử dụng để xây dựng hạ tầng một số cơ quan nhà nước, khu dân cư, quy hoạch khu đô thị, dịch vụ…nên dần dần nông dân trong phường trở thành người “bán nông, bán thương”.

 

Do thi công xây dựng hạ tầng Khu dân cư số 7B nên diện tích đất nông nghiệp của phường Túc Duyên tiếp tục bị thu hẹp.

Đến Túc Duyên thời điểm này vẫn thấy những cánh đồng lúa rộng vài chục héc ta xanh ngút tầm mắt, tại nhiều tổ dân phố, người nông dân vẫn kiếm thu nhập chính hàng ngày nhờ những ruộng rau, màu, hoa. Nhưng hỏi kỹ, tìm hiểu sâu về sản xuất nông nghiệp ở Túc Duyên, chúng tôi thấy quả là không còn sự “chuyên canh” như trước, mà hầu hết người nông dân có tâm trạng sản xuất để giữ đất, chờ đền bù hoặc những người nông dân có tuổi, neo đơn không ra ngoài buôn bán được thì đành sống nhờ vào ruộng đồng.

Cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân phường, Ban Quản trị 2 HTX chuyên làm dịch vụ nông nghiệp của phường là Đại Đồng và Tiến Ninh cũng không còn quá coi trọng lĩnh vực nông nghiệp, phần vì trồng trọt, chăn nuôi chỉ còn chiếm khoảng 15% doanh thu hàng năm của địa phương, phần vì các lĩnh vực khác như: Dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp đã thật sự “lất át” nông nghiệp ở Túc Duyên. Theo đánh giá của lãnh đạo phường Túc Duyên, hiện có 1.200 hộ/2.800 hộ của phường còn canh tác nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 8 tỷ đồng/năm (dịch vụ đã đạt 40 tỷ đồng/năm).

Trong quá trình đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp của phường Túc Duyên liên tục bị thu hẹp từ 170ha (năm 2004) nay xuống còn 74ha đất 2 vụ lúa và 25ha chuyên trồng màu, trồng hoa. Một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp (giao cho HTX Nông nghiệp Đại Đồng và HTX Nông nghiệp Tiến Ninh quản lý) như 4 trạm bơm điện, 4km kênh mương dẫn nước tới cánh đồng Ao Nông và Đồng Khê đã bắt đầu xuống cấp, sửa chữa lớn thì tiếc kinh phí mà sửa chữa nhỏ lại không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. HTX Nông nghiệp Tiến Ninh hiện có gần 1.100 xã viên, quản lý 67,7ha đất nông nghiệp; HTX Nông nghiệp Đại Đồng có trên 800 xã viên, quản lý 17ha đất nông nghiệp nhưng không dám huy động nguồn lực để tiếp tục xây dựng kênh mương nội đồng, hệ thống điện...

Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiến Ninh cho biết: Cơ bản xã viên đồng tình với chủ trương của tỉnh và thành phố về chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng các khu dân cư và mục đích phí nông nghiệp khác. Tuy nhiên, quy hoạch đến thời điểm nào được triển khai thì chúng tôi không rõ, nên nếu đầu tư chuyên canh sản xuất nông nghiệp lại lo lãng phí mà tận dụng đất canh tác, không có hệ thống công trình hỗ trợ thì hiệu quả kinh tế không cao. Vừa qua, bà con xã viên lại nghe thông tin tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư khu đô thị vào cánh đồng của Tiến Ninh, cộng thêm một số lao động đi làm thợ xây, buôn bán nhỏ công việc, thu nhập thất thường nên có tâm lý lưỡng lự giữa nghề nông và công việc phi nông nghiệp khác. Tổng tài sản của HTX Nông nghiệp Tiến Ninh vẫn còn giá trị khoảng 5 tỷ đồng, nhưng việc duy trì sẽ khó khăn vì số xã viên quá lớn, độ chuyên canh sản xuất nông nghiệp của các gia đình xã viên khác xa nhau…

Với lợi thế về vị trí địa lý, phường Túc Duyên sẽ có tốc độ đô thị hóa rất nhanh trong tương lai, và tất yếu diện tích đất nông nghiệp cũng sẽ bị thu hẹp để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Song, điều vướng hiện nay là T.P Thái Nguyên và tỉnh nên phân giai đoạn cụ thể trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp ở Túc Duyên để trên cơ sở đó thực hiện hiệu quả việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho số hộ đang làm nông nghiệp của địa phương này.

Đồng chí Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên:

“Nghị quyết của Đảng bộ phường là sẽ giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại để phù hợp với xu thế phát triển, đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, phường không thể bỏ hẳn sản xuất nông nghiệp mà vẫn sẽ duy trì một số vùng chuyên canh rau, hoa để giải quyết việc làm cho lao động trung tuổi, phụ nữ, hộ neo đơn. Do vậy, chúng tôi đề nghị Trạm Khuyến nông thành phố và các phòng chức năng tiếp tục giúp đỡ phường những mô hình mẫu về trồng trọt cho thu nhập cao”.

 

Văn Hiến

Nguồn: baothainguyen.org.vn

Tin Nổi bật

Tin Liên quan