Mở rộng T.P Thái Nguyên: Lấy sông Cầu làm trục không gian đô thị

5/29/2014 9:27:54 AM 19554

Mới đây, UBND T.P Thái Nguyên đã phối hợp với các nhà tư vấn trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2035. Theo đó, địa giới hành chính thành phố sẽ được điều chỉnh theo hướng mở rộng trên cơ sở sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc các địa phương vùng giáp ranh. Hướng phát triển chính của đô thị thành phố là lấy sông Cầu làm trục không gian chính.

Từ nhiều năm nay, gần như lợi thế phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Cầu (qua địa bàn T.P Thái Nguyên) chưa được quan tâm đầu tư phát triển.

  Đây là ý tưởng tuy không mới nhưng lại rất phù hợp với xu thế phát triển chung từ xưa đến nay của các đô thị hiện đại. Theo các chuyên gia trong ngành kiến trúc, với lợi thế có dòng sông Cầu thơ mộng chảy qua, đáng lẽ T.P Thái Nguyên hiện phải sở hữu một đô thị sầm uất, xanh, sạch, đẹp dọc hai bên bờ sông. 

Tuy nhiên, nhiều năm qua, lợi thế đó chưa được thành phố khai thác hợp lý. Nguyên do chính là bởi chúng ta còn thiếu một quy hoạch phát triển đô thị mang tầm chiến lược và nguồn lực đầu tư đáng kể. Từ trước đến nay, thành phố vẫn chỉ phát triển đô thị theo hướng một chiều, nghĩa là quay toàn bộ phần lưng vào dòng sông Cầu. Chúng ta đều biết, ở nước ta có những thành phố phát triển rất đẹp bên sông như: T.P Đà Nẵng bên sông Hàn, T.P Hòa Bình bên sông Đà, T.P Huế bên sông Hương... Và chúng ta cũng đang hướng đến mục tiêu phát triển đô thị thành phố tương xứng với lợi thế và tầm vóc sẵn có. 

Theo phương án điều chỉnh mới, tới đây một số địa phương sẽ phải có sự hợp tách, thay đổi địa giới. Cụ thể, về phía Bắc, nơi cửa ngõ đi đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, dự kiến, thành phố sẽ mở rộng đến hết xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Đây là địa bàn có quỹ đất rộng, địa hình đồi bát úp, hệ thống giao thông thuận lợi, phù hợp phát triển đô thị hiện đại. Phía Nam, do hiện tại có các khu chức năng đã được quy hoạch phát triển như: KCN Sông Công, KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy... nên giữ nguyên không mở rộng. Phía Tây, thành phố cũng không chủ trương phát triển thêm mà tách 3 xã là Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương để tiến tới thành lập T.X Núi Cốc. Phía Đông sẽ được mở rộng nhiều nhất vì đây là khu vực nằm trong vùng lõi của trục phát triển dọc hai bờ sông Cầu, thành phố chủ trương sáp nhập thị trấn Chùa Hang, các xã Linh Sơn, Huống Thượng (Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (Phú Bình). Khu vực này có địa hình bằng phẳng, hạ tầng giao thông thuận tiện. Mục tiêu của phương án này là nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên dọc hai bên sông để nâng cao chất lượng môi trường đô thị và tạo động lực tăng cường các kết nối Đông - Tây và không gian mở cho thành phố. Sau khi điều chỉnh, diện tích tự nhiên của thành phố sẽ tăng từ hơn 18.970 ha lên trên 24.200ha, dân số cũng tăng từ gần 288.000 người lên trên 329.000 người. 

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên khẳng định: Việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố là để hiện thực hóa những điều chỉnh chiến lược của thành phố và của cả tỉnh trong giai đoạn mới, sao cho phù hợp với tính chất, chức năng và quy mô của đô thị loại I trực thuộc tỉnh, tạo cơ hội tham gia đóng góp của cộng đồng và để khắc phục những nhược điểm của các đồ án quy hoạch đô thị thành phố trước đây. Theo kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (đại diện một trong hai đơn vị liên danh tư vấn phương án mở rộng đô thị Thành phố đến năm 2035) thì với phương án điều chỉnh mới, T.P Thái Nguyên sẽ phát triển theo hướng thịnh vượng hơn với cấu trúc đô thị bền vững trên cơ sở không gian xanh. Đến năm 2035, thành phố trở thành một cực phát triển phía Bắc của Vùng Thủ đô Hà Nội, một trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế của vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ, một thành phố hấp dẫn, giàu bản sắc và hiện đại. 

Tuy mục tiêu điều chỉnh mở rộng đô thị thành phố là khá rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tế khách quan và xu thế phát triển chung của xã hội, song khi đưa ra thống nhất, vẫn còn một số ý kiến đề xuất, nhất là từ phía các địa phương vùng giáp ranh.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Năm 2007, T.P Thái Nguyên đã sáp nhập hai xã của Đồng Hỷ là Cao Ngạn và Đồng Bẩm, nay lại tiếp nhận thêm 3 đơn vị hành chính nữa của huyện gồm thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn và Huống Thượng là chưa hợp lý. Thị trấn Chùa Hang hiện là trung tâm huyện lỵ, nơi toàn bộ cơ quan hành chính đầu não của huyện đóng chân, nên việc di chuyển và đầu tư xây mới trung tâm hành chính là rất khó khăn. Đây là lần thứ 9 huyện phải di chuyển trung tâm hành chính. Chúng tôi đề nghị chỉ mở rộng đến hai xã Linh Sơn và Huống Thượng, còn thị trấn Chùa Hang nên xem xét không lấy đến. 

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Chủ tịch UBND T.X Sông Công: Theo tôi, nếu tách một xã ra khỏi một địa phương thì không đáng kể, nhưng tách tới 3 đơn vị hành chính cấp xã như của huyện Đồng Hỷ thì sẽ có nhiều xáo trộn. Điều đó đòi hỏi tỉnh phải nghiên cứu và có quy hoạch lại cho địa phương này sao cho phù hợp, đồng thời có phương án bố trí nguồn lực đầu tư. 

Ông Phạm Hoàng Sơn, Bí thư Huyện ủy Phú Lương: Tôi rất đồng tình với phương án điều chỉnh, mở rộng thành phố trên cơ sở phát triển dọc hai bờ sông Cầu. Tuy nhiên, thành phố mới chỉ đưa ra một phương án duy nhất nên rất khó cho việc so sánh, lựa chọn. Hơn nữa, Sơn Cẩm là xã đứng đầu cả huyện về phát triển kinh tế với rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giao thông, xây dựng... Bởi vậy, huyện đề nghị nên tách một nửa xã Sơn Cẩm về thành phố trên cơ sở lấy đường tránh thành phố làm ranh giới. 

Sơn Trường

Nguồn: Baothainguyen.org.vn

Tin Nổi bật

Tin Liên quan