Thành phố Thái Nguyên: Nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch

4/12/2024 9:29:32 AM 447

Trong những năm qua, TP. Thái Nguyên luôn quan tâm và chú trọng phát triển du lịch bằng việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân cũng như du khách thập phương.

 

Du khách tham quan, trải nghiệm tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên)

        Nhắc đến địa chỉ du lịch của thành phố Thái Nguyên không thể không nói đến vùng trà Tân Cương nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt mát. Không chỉ là nơi cho những sản phẩm trà đặc sản, Tân Cương giờ đây còn là điểm du lịch cộng đồng. Hiện nay, điểm du lịch này đã được UBND tỉnh công nhận và đủ điều kiện đón tiếp các đoàn khách quốc tế và trong nước với các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn như: Tham quan mua sắm, trải nghiệm hái chè, sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống, dịch vụ lưu trú homestay, thưởng thức ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hợp tác xã (HTX), hộ gia đình ký cam kết tham gia điểm du lịch cộng đồng; thực hiện lập hồ sơ các hạng mục đề nghị hỗ trợ theo chính sách của tỉnh; thành lập Liên hiệp HTX du lịch cộng đồng Tân Cương; thành lập Đội văn nghệ phục vụ điểm du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng điểm check-in quảng bá vùng chè Tân Cương gắn với phát triển kinh tế du lịch tại HTX chè Hảo Đạt.

Thưởng trà tại Không gian văn hóa trà, xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên)

Được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm làm chè, tham quan Không gian văn hóa trà tại Tân Cương, Tiến sĩ Hà Thúy Mai, Trường Đại học Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ sự thích thú và quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm trà mà bà tự tay làm ra dưới sự hướng dẫn của những thành viên HTX chè Hảo Đạt. Bà cho rằng các hoạt động trải nghiệm tại đây rất hấp dẫn du khách, không gian trưng bày các hiện vật về trà phong phú, đa dạng giúp nhiều người không sành trà cũng có thể dễ dàng hiểu được quy trình cũng như lịch sử cây chè trên mảnh đất Thái Nguyên. Bà Mai cũng mong muốn các cơ quan quản lý có thể làm phong phú hơn nội dung trưng bày, nâng tầm hiện vật thành triết lý ẩm thực về trà, phong cách uống trà, văn hóa trà của Thái Nguyên. Bên cạnh đó, cần trang trí thêm cho các đồi chè, tạo cảnh quan mềm mại tại nơi tiếp đón để tạo ấn tượng, điểm nhấn khi du khách đặt chân đến Không gian văn hóa trà; gia tăng các hoạt động trải nghiệm, đạp xe, trò chơi dân gian... tại vùng chè để du khách dành thêm thời gian, sử dụng nhiều hơn nữa các dịch vụ tại đây.

Còn ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fvestar Travel (thành phố Hà Nội) khi đến tham quan Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên) đánh giá nơi này có cách làm du lịch độc đáo, bài bản với cảnh quan đẹp, các phong tục tập quán dân tộc được giữ nguyên vẹn; 

Du khách tham quan tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên

Khu bảo tồn có diện tích 25 ha, với các nhà sàn tuổi đời hàng trăm năm. Không gian lưu trú thoáng mát với đầy đủ các thiết bị, tiện nghi và chia thành nhiều khu vực: Khu bảo tồn, khu ẩm thực, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã được tổ chức du lịch thế giới công bố là 1 trong 32 Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.

Đó chỉ là hai trong số nhiều điểm du lịch của thành phố Thái Nguyên. Hiện nay, trên địa bàn có 116 di tích, trong đó có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 22 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Có những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của đất nước như: Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên, Nhà lao Thái Nguyên, đền thờ Đội Cấn. Đặc biệt, Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng được xây dựng bề thế và trang nghiêm, hằng năm tiếp đón hàng vạn khách du lịch đến thăm viếng và dâng hương. Cùng với đó, trong năm, có trên 40 lễ hội được duy trì tổ chức gắn với du lịch tâm linh kết hợp tham quan, vãng cảnh. Các lễ hội truyền thống gắn với việc tổ chức trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đã thu hút được khách du lịch đến với thành phố Thái Nguyên. Một số lễ hội tiêu biểu đang được khai khác phục vụ du lịch bao gồm: Lễ hội hương sắc trà Xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương; Lễ hội chùa Hang; Lễ hội chùa Phủ Liễn…

Đêm hội Trung thu xứ Trà năm 2023 thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến với thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Xuân Huy)

       Ngoài các điểm đến, năm 2023, thành phố Thái Nguyên cũng tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh và các thế mạnh về du lịch, văn hóa của thành phố thông qua các sự kiện như: Tổ chức không gian Tết “Sắc xuân thành phố Thái Nguyên”; Chương trình nghệ thuật đường phố - Đêm hội Trung thu xứ Trà; Chương trình ca nhạc thời trang đặc biệt chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày Thành lập thành phố Thái Nguyên...

       Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn hiện có 40 khách sạn, 160 nhà nghỉ đủ điều kiện đón khách du lịch. Thời gian qua, thành phố đã thu hút đầu tư triển khai các dự án trọng điểm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như: Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc; Khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí phục vụ công cộng Linh Sơn Hills (xã Linh Sơn)… Ngoài ra, thành phố đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, các điểm mua sắm phục vụ Nhân dân và thu hút khách du lịch như: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Phú Quý Thăng Long, Trung tâm thương mại FCC, Siêu thị Go, Khu đô thị Danko city…

Quan tâm đầu tư các điểm đến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí phục vụ nhu cầu của Nhân dân… là những cách làm góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh của thành phố Thái Nguyên - điểm đến không thể bỏ qua của du khách thập phương khi đến với mảnh đất Thái Nguyên anh hùng, thân thiện và mến khách.

Nguồn: Thainguyen.gov.vn

 

Tin Nổi bật

Tin Liên quan