Giải pháp để phát triển nhà ở xã hội

8/16/2013 10:40:29 AM 1513

Thái Nguyên tập trung khá nhiều trường chuyên nghiệp và dạy nghề; các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thu hút lao động đông nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Song thực tế trên địa bàn tỉnh việc dáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội còn rất hạn chế.

 

Khu nhà tập thể công nhân ơ phường Phan Đình Phùng của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG giải quyết chỗ ở cho khoảng 800 người.

       Theo khảo sát của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 9 dự án nhà ở học sinh, sinh viên, gồm 52 công trình vừa được xây dựng trong giai đoạn 2009-2012, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 923 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến nay, các dự án trên đã hoàn thành đưa vào sử dụng, song cũng chỉ đáp ứng cho 14.790 sinh viên có chỗ ở (chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên có nhu cầu). Do thiếu chỗ ở nên tình trạng học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường chuyên nghiệp phải đi thuê nhà trọ ở vẫn là phổ biến. Đối với cán bộ, công nhân viên chức chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm; người có thu nhập thấp chưa có nhà ở Sở vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể, vì hiện nay, Phòng Quản lý nhà và Bất động sản của Sở đang phối hợp với Trung tâm Quản lý nhà và thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng) triển khai Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Song trên thực tế, số cán bộ, công chức, số người có thu nhập thấp đang có nhu cầu về nhà ở là rất lớn (có thể lên đến vài nghìn người). Đối với nhà ở cho công nhân, mặc dù trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp thu hút đông lao động, nhất là các doanh nghiệp may mặc, nhưng cũng chỉ có 2 doanh nghiệp báo cáo, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên xây dựng các khu nhà tập thể cho cán bộ, công nhân với tổng số 527 căn hộ, đáp ứng cho 2.108 người có chỗ ở. 

       Vì sao nhu cầu về nhà ở trên địa bàn thì lớn nhưng việc đáp ứng lại còn quá ít như vậy, trong khi Chính phủ đang “tung” ra gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để giúp người có thu nhập thấp có cơ hội mua được nhà ở; còn các doanh nghiệp có điều kiện chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng nhà xã hội? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đối với đặc điểm của tỉnh, do đất đai rộng nên tâm lý người dân chỉ muốn mua đất, làm nhà ở riêng. Việc xây dựng nhà ở xã hội có chăng cũng chỉ tập trung ở khu vực thành phố, các khu công nghiệp có đông công nhân từ nhiều nơi về. Hiện tại, trên đại bàn tỉnh có một số khu chung cư ở thị xã Sông Công; khu chung cư ở phường Trung Thành, khu dân cư Phủ Liễn  ở phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Thái Nguyên)…đã quá cũ nát, đang gây bức xúc không nhỏ cho các hộ dân sống ở đó. Một số doanh nghiệp cũng rất muốn vào đầu tư nhưng còn gặp trở ngại do không có mặt bằng đất sạch để tái định cư cho các hộ dân. Thực lực tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế nên, tuy lãi suất ngân hàng đã hạ song việc tiếp cận vay vốn ngân hàng không dễ vì doanh nghiệp phải thế chấp tài sản. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà ở xã hội thu hồi vốn lâu, lợi nhuận không cao; việc quản lý vận hành lại phức tạp, nên các doanh nghiệp không “mặn mà” lắm.

        Để “an cư” cho số công nhân lao động tại nhà máy, một số doanh nghiệp đã phải bỏ vốn ra để tự làm nhà ở cho công nhân, con số này cũng không đáng kể. Số nhà ở hiện có cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Ví dụ như ở Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Hiện, Công ty có 2 khu nhà tập thể cho cán bộ, công nhân ở gồm một nhà 4 tầng với 94 phòng, ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), nếu mỗi phòng có 4 người thì giải quyết cho khoảng 800 chỗ ở; một khu ở  Nhà máy may TNG Sông Công, 100 phòng, cũng giải quyết cho 700 đến 800 chỗ ở (tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của Công ty bỏ ra, chưa có sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước). Như vậy, so với số lượng công nhân (7 nghìn người) mới đáp ứng được khoảng 20 đến 30% nhu cầu, còn lại công nhân vẫn phải thuê trọ bên ngoài nhà dân.  Mặc dù Công ty cũng đã lập Dự án xây dựng nhà ở cho người lao động trên diện tích 4 ha song hành với Dự án sản xuất. Song đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mới chỉ được 70%. Còn 7 hộ vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù đã 3 năm nay làm cho Công ty bị không triển khai dự án được. Bên cạnh đó, tại khu nhà tập thể ở phường Phan Đình Phùng, UBND tỉnh đã có quyết định giao đất thêm cho Công ty với diện tích 1.400 m2 để tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân (dự kiến xây thêm 100 phòng, giải quyết khoảng 700 đến 800 chỗ ở cho công nhân). Song, đến nay, thành phố vẫn chưa bàn giao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của Công ty và làm lỡ cơ hội của Công ty khi Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội mà Công ty không thể tiếp cận được. Đây là vấn đề rất mong T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình quan tâm bàn giao đất sớm để Công ty triển khai dự án, giảm thiểu sự lãng phí (riêng ở Nhà máy may TNG Phú Bình, Công ty đã đền bù và san lấp mặt bằng với số tiền 14 tỷ đồng).

         Được biết, khu chung cư Phủ Liễn đang có 104 hộ dân sinh sống. Hiện đã có Dự án đầu tư Trung tâm thương mại và chung cư Phủ Liễn do Công ty cổ phần Kim Sơn làm chủ đầu tư, đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để xin cấp giấy phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư 189 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng có một dự án đang có chủ trương xin phép Bộ Xây dựng chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ giải quyết được khoảng 300 căn hộ. Đây là những động thái tích cực của nhà đầu tư, tỉnh cần khuyến khích để giải quyết những bức xúc hiện có ở các khu chung cư đã xuống cấp và vấn đề nhà ở cho các hộ dân trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Thị trường nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đang có tiềm năng lớn, vì vậy, đi đôi với việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết kịp thời những vướng mắc về đất đai cho doanh nghiệp khi triển khai dự án; tạo quỹ đất sạch cho tái định cư ở các khu nhà chung cư. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tranh thủ những gói hỗ trợ từ phía Nhà nước; tiến tới thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội nhằm giúp các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở khi tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hoá đang phát triển nhanh.


       (nguồn: baothainguyen.org.vn)

Thu Lan
 

 

Tin Nổi bật

Tin Liên quan