Du lịch cộng đồng: Góc nhìn từ Võ Nhai

7/4/2024 3:45:32 PM 543

Xã hội ngày càng phát triển, khi “cơm, áo” không còn là nỗi lo thường trực, người dân quan tâm hơn đến đi du lịch để có khoảng thời gian thư giãn bên người thân, bạn bè, trải nghiệm cuộc sống… Trong các loại hình du lịch, nhiều người đã lựa chọn du lịch cộng đồng, bởi những giá trị tích cực, mới mẻ, thú vị mà nó mang lại. Trong khuôn khổ bài viết này là một góc nhìn của tác giả từ huyện vùng cao Võ Nhai.

 

 

Hát Then, đàn Tính là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Võ Nhai.

Những ngày tháng 6, nắng chói chang, không khí oi nồng, chúng tôi tìm về Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Khi bắt đầu rẽ vào cung đường của Điểm du lịch, quả thật, không khí, cảnh sắc thiên nhiên nơi đây không làm chúng tôi thất vọng. Làn gió mát thổi bay bay làn tóc mai của đồng nghiệp, hoa ven đường đua nở như chào đón, những homestay nằm tựa vào lưng núi, thấp thoáng trong màu xanh của cây rừng tạo cảm giác thật thanh bình…

Chúng tôi lựa chọn Homestay Mộc để dừng chân. Bà chủ đon đả và thân thiện nên ngay từ câu chào hỏi đầu tiên đã tạo cho chúng tôi cảm giác như người nhà. Phòng nghỉ được làm theo phong cách nhà sàn, gần gũi và khá tiện tích, nhưng điều ấn tượng hơn cả là nghỉ dưỡng ở đây, chúng tôi được “cùng ăn, cùng làm” với gia chủ (nếu có nhu cầu).

Hôm đó, thật may mắn, gia chủ làm bánh dày gấc, nên chúng tôi có một buổi trải nghiệm thật thú vị. Khi ra về, mỗi người còn được bà chủ tặng 2 cặp bánh dày gấc về làm quà.

       Trong cái nắm tay bịn rịn giữa chủ và khách, bà Hoàng Thị Thậm, chủ Homestay Mộc, mời tha thiết: Nếu lần sau trở lại Võ Nhai, nhớ ghé chơi nhà. Chúng tôi làm kinh doanh chỉ là một yếu tố, quan trọng hơn là được biết thêm nhiều người bạn ở khắp miền về đây, để chúng tôi có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu về cảnh đẹp quê hương, những nét văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số vùng cao Võ Nhai, trong đó có những sản vật riêng có…  

Trong thời gian nghỉ dưỡng ở Homestay Mộc, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, xóm Mỏ Gà nằm ở phía Đông của xã Phú Thượng, có hơn 170 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng. Xóm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, như phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu trong lành, người dân còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống; gần xóm có Di tích lịch sử, danh thắng cấp Quốc gia hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà; gần với các điểm du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bắc Sơn (Lạng Sơn)…

Đến với Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, du khách sẽ được tham quan Di tích lịch sử đình Mỏ Gà và trải nghiệm các dịch vụ ăn uống với nhiều món ăn truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương; mua sắm các sản phẩm của địa phương như mây, tre đan, sản phẩm OCOP, hoa quả theo mùa; thăm quan nhà sàn truyền thống, vườn cây ăn quả và trải nghiệm đan lát thủ công, giã bánh dày…

Dịch vụ vui chơi, giải trí có đốt lửa trại, nhảy sạp, biểu diễn hát Then, đàn Tính, đi cà kheo, bắn nỏ, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều... Hiện, Điểm du lịch cộng đồng Mỏ Gà có 2 cơ sở lưu trú gồm Homestay Mộc và Homestay Phương Đông.

Múa sạp cũng là một trong những hoạt động văn hóa thú vị thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Bà Hoàng Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết: Phát triển kinh tế du lịch là một trong những định hướng của xã, hướng tới mục tiêu toàn dân làm du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, làm du lịch không dễ, bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: phải luôn có sự đổi mới nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc vùng, miền; phải đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc trưng của địa phương để thu hút du khách; giữ gìn môi trường sinh thái… và một trong yếu tố không thể thiếu đó là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các điểm du lịch cộng đồng.

Đúng như ý kiến của bà Hoàng Như Hoa, làm du lịch không dễ, nhưng phải làm và khiến du lịch ngày càng trở lên tốt hơn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Phú Thượng nói riêng và huyện Võ Nhai nói chung. Võ Nhai có tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, sông, hồ, hang động đẹp, như: hồ Quán Chẽ, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, Di chỉ khảo cổ học mái đá Ngườm Thần Sa...

Trên địa bàn có nhiều đồi, núi cao với những đồi chè, thảm cỏ, nương ngô... xen giữa những bản làng tạo nên nét đẹp riêng có của vùng cao. Võ Nhai cũng có nền văn hóa đậm đà bản sắc của 9 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan…).

Trên địa bàn có 98 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được kiểm kê và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với 4 sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch tâm linh, lịch sử về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch khám phá hang động.

Thời gian qua, Võ Nhai đã tích cực tổ chức các hoạt động lễ hội, trải nghiệm văn hóa, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh, con người, tiềm năng du lịch của huyện đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thăm quan, trải nghiệm, tạo được điểm nhấn về du lịch của huyện vùng cao. Trong 3 năm trở lại đây, huyện Võ Nhai đã đón gần 200 nghìn du khách...

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng để du lịch cộng đồng nói riêng và các loại hình du lịch khác nói chung trên địa bàn huyện Võ Nhai thu được những thành công và phát triển bền vững cần cả một quá trình dài hơi, với nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành chức năng. Song trước hết, những người dân làm du lịch cộng đồng, ngoài niềm đam mê của mình phải chủ động, tích cực học hỏi, rèn luyện kỹ năng ứng xử, đối đãi với du khách… từng bước tạo nên sự chuyên nghiệp trong làm du lịch cộng đồng.

 

Tin Nổi bật

Tin Liên quan