Nên đặt tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp

12/2/2013 3:42:00 PM 1682

Hiện nay, cả nước đã có ít nhất 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp (gồm: T.P Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Quảng Bình). Được biết, HĐND một số tỉnh, thành khác cũng đang xây dựng Nghị quyết chuyên đề về việc đặt tên tuyến đường Võ Nguyên Giáp để trình tại kỳ họp thường kỳ vào cuối năm nay. Với tỉnh Thái Nguyên chúng ta - mảnh đất đã từng gắn bó với Đại tướng, được Người xem như quê hương thứ hai của mình - lúc này, đông đảo quần chúng nhân dân cũng đang mong mỏi, đón chờ một công trình tương xứng, có ý nghĩa đặc biệt được mang tên Đại tướng.

 

Một góc Quảng trường 20-8 (TPTN) nơi theo đề xuất của ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên – nên đổi tên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

Thái Nguyên - Quê hương thứ hai của Đại Tướng 

Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên, người có không dưới 5 lần được đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và làm việc tại địa phương, chia sẻ với phóng viên Báo Thái Nguyên: “Với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giống như một người cha, người anh cả trong gia đình. Những lúc lên Bắc Thái, Thái Nguyên, sau bộn bề công việc, bao giờ Đại tướng cũng dành thời gian trò chuyện, trao đổi và chỉ bảo tận tình cho đội ngũ cán bộ chúng tôi…”

Ai cũng biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng tài ba không chỉ của đất nước Việt Nam mà của cả thế giới. Với dân tộc ta, có thể nói, Đại tướng là một trong những người “khai quốc công thần”, theo Bác Hồ suốt cả cuộc đời, trở thành một vị tướng chỉ huy, lãnh đạo, dìu dắt quân đội ta suốt cuộc trường chinh và giành độc lập cho dân tộc. Tại Đại hội Hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ nhất, Đại tướng đã được các cựu chiến binh tôn vinh là “anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với Thái Nguyên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có những gắn bó đặc biệt cũng như dành nhiều tình cảm sâu nặng nhất. Suốt cả giai đoạn khó khăn của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào Thái nguyên đã đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng lực lượng non trẻ của quân đội ta, trong đó người tổng chỉ huy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay cả trong thời kỳ kháng chiến gian khổ hay khi thời bình, tấm lòng của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với Đại tướng vẫn luôn son sắt, thủy chung. Người người đều dành cho vị Đại tướng của nhân dân một tình cảm nồng ấm, một lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn kính đặc biệt. Trong một lần lên thăm và nói chuyện với đồng bào vùng ATK Định Hóa, Đại tướng đã nhận Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình và khi tuổi đã cao, có lần, Người bày tỏ mong muốn sẽ lựa chọn Thái Nguyên làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Đồng chí Nguyễn Ngô Hai tâm sự: Với những gắn bó và tình cảm sâu nặng ấy, việc chúng ta sớm có công trình mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều rất cần thiết, nhất là trong lúc này, khi toàn dân đang mong mỏi, đón chờ từng ngày.

Về vấn đề đặt tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp

Người cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên, ông Nguyễn Ngô Hai đã không kìm nổi xúc động nói: Bác Giáp mất rồi, chúng ta phải để lại một công trình tưởng niệm cho tương xứng với công lao và tình cảm của Người. Theo tôi, sẽ có rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Với Đại tướng, Thái Nguyên chúng ta có những tình cảm và dấu ấn lịch sử đặc biệt hơn các địa phương khác, theo tôi, chúng ta không đặt tên đường mà nên chọn và đổi tên Quảng trường 20-8 (trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay) thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Sở dĩ tôi đưa ra đề xuất này bởi chính nơi đây, ngày 20-8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy lực lượng giải phóng quân của ta từ Tân Trào - Tuyên Quang tiến về giải phóng Thái Nguyên và chính thức công bố thành lập Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên ở đó. Đây không chỉ là nơi có ý nghĩa lịch sử quan trọng với tỉnh mà còn là địa điểm ghi dấu ấn đặc biệt của vị đại tướng lừng danh của dân tộc ta. Đây còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng của các cấp chính quyền địa phương và của quần chúng nhân dân trong tỉnh. Được biết, tỉnh Nghệ An cũng đã xây dựng Quảng trưởng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc Thái Nguyên có Quảng trường Võ Nguyên Giáp cũng là phù hợp và mang nhiều ý nghĩa.

Tôi nhận thấy, một công trình tầm vóc ít nhất phải đạt đủ 3 điều kiện: Thứ nhất, công trình phải mang giá trị lịch sử to lớn, thứ hai phải mang giá trị kiến trúc phù hợp và cuối cùng là phải đảm bảo cảnh quan, môi trường. Quảng trưởng 20-8 của chúng ta hiện nay có thể thỏa mãn được tất cả những điều kiện đó. Tất nhiên, khi chính thức có chủ trương xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp thì phải quy hoạch, xây dựng lại Quảng trường cũ trên cơ sở mở rộng cho tương xứng. Điều cần nhất là phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa… để nghiên cứu dựng tượng bán thân của Đại tướng đặt tại vị trí trang trọng nhất của Quảng trường.

Với ATK Định Hóa, nơi Đại tướng gắn bó suốt thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, tôi cũng đề nghị nên xây dựng Khu lưu niệm Võ Nguyên Giáp tại chính vị trí Đại tướng đặt bản doanh ở xã Bảo Biên. Khu vực này nếu được xây dựng, nên quy hoạch diện tích khoảng từ 10ha đến 15ha, trở thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái thu hút du khách mọi miền tổ quốc đến tham quan. Có thể huy động nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và vốn xã hội hóa khác để xây dựng công trình.

Việc đặt tên công trình mang danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một việc làm mang ý nghĩa lịch sử thời đại, có giá trị nhân văn sâu sắc đối với tất cả chúng ta hiện nay. Việc làm đó góp phần giúp mọi người dân Việt Nam thêm hiểu hơn về công lao cũng như sự đóng góp to lớn của Đại tướng đối với quê hương, đất nước, để từ đó giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, khơi dậy tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta…

Sơn Trường

(Nguồn: Baothainguyen.org.vn)

Tin Nổi bật

Tin Liên quan