Thái Nguyên là một trong 7 tỉnh tham gia Chương trình đô thị miền núi phía Bắc

1/27/2015 6:26:17 PM 2387

(Thainguyencity.gov.vn) Ngày 25/01/2014 Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 189/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dự án “Chương trình đô thị miền núi phía bắc” vốn vay của Ngân hàng thế giới, được triển khai tại 7 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái) với tổng kinh phí 301,856 triệu USD (vốn vay: 250 triệu USD, vốn đối ứng: 51,856 triệu USD, Thái Nguyên được phân bổ 61,01 triệu USD). Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Thái Nguyên với tổng mức đầu tư là 80,5 triệuUSD ( ≈ 1.695 tỷ đồng).

      Thành phố Thái Nguyên là đô thị loại 1 từ năm 2010, với vị trí, chức năng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái nguyên và của trung tâm vùng miền núi phía Bắc. Việc tập trung đầu tư vào thành phố sẽ mang đến cơ hội hoàn thiện từng bước mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị, mở rộng không gian đô thị, mang lại giá trị kinh tế và an sinh xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống cho người dân. Hệ thống đô thị của Thái nguyên phát triển theo hướng lấy công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng và hệ thống đô thị hiện đại làm hạt nhân, lấy thành phố Thái nguyên làm trung tâm của tỉnh. Trong xu thế hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa to lớn, tạo bước biến đổi cơ bản trong việc phát triển xây dựng đô thị công nghiệp và các ngành kinh tế dịch vụ, góp phần thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời cũng là động lực để phát triển kinh tế xã hội chung của toàn tỉnh.

         Thực hiện Quyết định số 758/QĐ-TTg, ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020. Ngày 25/01/2014 Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 189/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dự án “Chương trình đô thị miền núi phía bắc” vốn vay của Ngân hàng thế giới, được triển khai tại 7 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái) với tổng kinh phí 301,856 triệu USD(vốn vay: 250 triệu USD, vốn đối ứng: 51,856 triệu USD, Thái Nguyên được phân bổ 61,01 triệu USD).

          Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Thái Nguyên với tổng mức đầu tư là 80,5 triệuUSD (≈ 1.695 tỷ đồng) Trong đó: Nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình: 61, triệu USD (≈ 1.283 tỷ đồng). Trung ương cấp phát (90%): 54,9 triệu USD (≈ 1.155 tỷ đồng). Địa phương vay lại (10%): 6,1triệu USD (≈ 128 tỷ đồng). Nguồn vốn đối ứng cho công tác bồi thường GPMB: 19,5triệu USD (≈ 410 tỷ đồng). Trong đó: Trung ương hỗ trợ (50%): 9,7 triệu USD (≈ 205 tỷ đồng); địa phương cân đối (50%): 9,7 triệu USD (≈205 tỷ đồng).

         Chương trình dự án triển khai trong 6 năm(2015-2020), thời hạn vay là 25 năm, ân hạn 05 năm, lãi xuất 2%/năm. Theo Hợp đồng cho vay lại đã ký giữa Bộ Tài Chính với UBND tỉnh Thái Nguyên và Phương án trả nợ vốn vay đã được phê duyệt, từ năm 2015 - 2039 (25 năm) với số tiền vay lại 10%= 6,11 triệu USD sau 25 năm bình quân phải trả ≈ 7 tỷ đồng/năm.

Chương trình dự án được đầu tư tại Thái Nguyên với 12 hạng mục, chia 02 giai đoạn: 

* Giai đoạn 1 (năm 2015 - 2016) thực hiện đầu tư 05 hạng mục công trình (đã được tổ chức lễ khởi công vào ngày 21/01/2015) gồm:

1. Nâng cấp đường Việt Bắc chiều dài 3 km (điểm đầu từ cổng trường Đại học Nông lâm phường Quang Trung, điểm cuối giao cắt đường thống nhất phường Đồng Quang). 

2. Xây dựng trường Mầm non Đồng Quang (tổ 14 p. Đồng Quang).

3. Cải tạo hạ tầng khu dân cư phố Cột cờ phường Trưng Vương.

4. Cải tạo hạ tầng khu dân cư tổ 4,5,6 phường Hoàng Văn Thụ.

5. Cải tạo Hồ điều hòa Xương Rồng 2 tại phường Phan Đình phùng.

UBND Thành phố đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ đúng quy định, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, sáng ngày 21/01/2015 tại khu vực xây dựng trường Mầm non Đồng Quang, tổ 14 phường Đồng Quang tổ chức Lễ khởi công chung cho 5 hạng mục công trình của giai đoạn 1.

* Giai đoạn 2 (năm 2016 - 2020) thực hiện đầu tư 7 hạng mục công trình:

1. Xây dựng cầu Bến Tượng (khu vực cầu ngầm Bến tượng cũ).

2. Nâng cấp cầu Tân Long (trên quốc lộ 3 tại phường Tân long).

3. Xây dựng hạ tầng khu tái định cư Việt Bắc diện tích 5 ha phường Quang Trung).

4. Nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 2 chiều dài 5 km (tiếp từ giao cắt đường thống nhất phường Đồng Quang đến điểm giao cắt đầu đường 36, phường trung Thành).

5. Cải tạo hạ tầng khu dân cư phố 19/8 phường Trưng Vương.

6. Cải tạo một số tuyến mương thoát nước thải ở 1 số khu dân cư.

7. Ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị một số tuyến đường phố chính.

Đối với các hạng mục đầu tư giai đoạn 2 (2016 - 2020):  

UBND thành phố đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn Công ty tư vấn thiết kế Kunhwa (Hàn Quốc). Dự kiến hoàn thành gói thầu tư vấn giai đoạn 2: Khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, hồ sơ mời thầu, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các báo cáo liên quan khác cho 7 hạng mục đầu tư công trình vào tháng 10/2015 và Khởi công xây dựng các hạng mục đầu tư giai đoạn 2 vào tháng 11, 12/2015.

Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được triển khai với mục tiêu:

- Đáp ứng nhu cầu nâng cấp, phát triển đô thị cho các thành phố thuộc vùng miền núi phía Bắc, cải thiện cơ sở hạ tầng cho các khu vực thu nhập thấp được ưu tiên xây dựng, đồng thời sẽ tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trong công tác quy hoạch, kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng phát triển đô thị, quản lý tài chính có hiệu quả. Những cải thiện này là rất cần thiết vì nó đặt nền móng quan trọng cho các đô thị Miền núi phía Bắc hướng tới phát triển đô thị bền vững

- Thông qua việc triển khai: “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” là gắn đầu tư hạ tầng đô thị với việc tăng cường và chủ động của các địa phương trong thực hiện dự án. Phương thức triển khai và kinh nghiệm tổ chức thu được thông qua việc thực hiện Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sẽ hình thành một mô hình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn với nâng cao năng lực quản lý đô thị có thể áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam.

Với đối tượng thụ hưởng thông qua chương trình, chính quyền đô thị ở các địa phương sẽ được tăng cường năng lực trong việc lập kế hoạch, quản lý thực hiện dự án đầu tư một cách có hiệu quả, duy trì cơ sở hạ tầng ưu tiên đảm bảo cho đô thị phát triển ổn định và bền vững; các hạng mục trong đầu tư xây dựng như: Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng một số khu dân cư, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng cầu, nâng cấp đường giao thông, cải tạo hồ điều hòa và hạ ngầm kỹ thuật đô thị sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người dân được hưởng lợi trực tiếp, gián tiếp các dịch vụ hạ tầng đô thị hiện đại; đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu úng ngập, hạn chế một số nguy cơ xấu cho sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường; đồng thời cải thiện bộ mặt cảnh quan không gian đô thị. Môi trường sạch hơn, an toàn hơn sẽ thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư mới, tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương và có sự lan tỏa đến các đô thị lân cận. 

Dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc được thực hiện đã phù hợp với các chủ trương định hướng phát triển và các chương trình quốc gia như “Chương trình nâng cấp đô thị giai đoạn từ năm 2009 - 2020, Chương trình phát triển đô thị giai đoạn từ năm 2012 - 2020”, phù hợp với Chiến lược Hợp tác Quốc gia (CPS) của Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2012 - 2016 và sẽ có những đóng góp rất tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu chính của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chiến lược phát triển Quốc gia đoạn 2011 - 2020 của cả nước cũng như của Thái nguyên nói riêng.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại thành phố Thái Nguyên có những thuận lợi và khó khăn đó là:

- Được sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Thế giới, các Bộ, ngành; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở ngành có liên quan và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của dự án; 

- Chính sách của nhà tài trợ phù hợp với mục tiêu đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ thay đổi cơ bản hạ tầng đô thị của thành phố, sẽ làm tăng thu ngân sách hàng năm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm tiếp theo;

- Nguồn vốn đầu tư phục vụ công tác chuẩn bị và thi công dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc luôn đầy đủ, đảm bảo đáp ứng được tiến độ để triển khai thực hiện.

- Sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan ban ngành từ tỉnh, thành phố đến cơ sở; sự liên kết chặt chẽ giữa các phòng, ban, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án. 

Tuy nhiên, đây là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đầu tiên được Ngân hàng Thế giới thực hiện tại Việt Nam theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả, sử dụng công cụ PforA phải đảm bảo thực hiện được đầy đủ 5 chỉ số giải ngân, chỉ ứng trước 25% vốn được phân bổ để triển khai thực hiện, số vốn còn lại được cấp đủ sau khi có xác minh kết quả hoàn thành của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (đây là tiêu chí rất mới), do vậy trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực hiện dự án.

Mặc dù với những khó khăn trên, xong UBND thành phố, là chủ đầu tư thực hiện dự án, quyết tâm hoàn thành theo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực thực hiện dự án theo đúng quy định.

Để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND thành phố đề nghị:

- Đề nghị Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị có liên quan, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện trong thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn những vướng mắc trong thời gian thực hiện dự án, bố trí kế hoạch vốn đầy đủ, kịp thời theo đăng ký tiến độ khối lượng dự án hoàn thành.

- Quan tâm tạo điều kiện cho Thái Nguyên, tiếp tục được vay các nguồn vốn khác để đầu tư:

+ Xây dựng hạ tầng cơ sở khu dân cư đồng bộ cho người lao động tại các khu cụm công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư ở Thành phố Thái Nguyên.

+ Đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở của Thị xã Núi Cốc trong trong tài khóa 2017-2021.

Phương Lan

Tin Nổi bật

Tin Liên quan