Người Mông Thái Nguyên đôn hậu - chất phác

2/6/2015 7:34:40 AM 2154

Cách đây hơn 20 năm, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông đã di cư từ tỉnh Cao Bằng về Thái Nguyên sinh sống. Sống du canh, du cư nên khi đất ở chỗ này bạc màu, họ lại chuyển sang khai phá vùng đất khác. Vì thế, nhiều cánh rừng nguyên sinh ở Thái Nguyên đã bị chặt hạ.

Người Mông Thái Nguyên thay vì phá rừng làm nương rẫy, nay đã biết khai phá ruộng, cấy lúa nước.

  Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã vận động người Mông định canh, định cư để xây dựng cuộc sống mới. Với nhiều chính sách hỗ trợ, hôm nay, cuộc sống của người Mông trên địa bàn tỉnh đã khác xưa rất nhiều. Bà con đã biết trồng ngô lai thay cho giống ngô địa phương năng suất thấp; trồng lúa nước; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nên các bản người Mông trên địa bàn tỉnh không còn biệt lập với thế giới bên ngoài.  

  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 hộ đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở 47 xóm, bản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương. Trong những năm qua, cùng với việc tích cực phát triển kinh tế để đuổi cái đói, cái nghèo, người Mông Thái Nguyên vẫn luôn quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

  Phụ nữ người Mông ở Thái Nguyên vẫn giữ phong tục tự may, trang trí những bộ váy áo để mặc vào những ngày vui như cưới xin, lễ, Tết... Do phải làm thủ công nên mỗi bộ váy áo phải làm hằng năm hoặc nửa năm trời mới hoàn thành. Tuy nhiên, những bộ vay áo do các bà, các chị làm thường rất đẹp, có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt...

  Khi những chị em phụ nữ khéo tay với may vá, thêu thùa thì những người đàn ông người Mông Thái Nguyên lại quan tâm lưu giữ một nét đẹp văn hóa  khác: đó là cây khèn và các điệu khèn truyền thống của dân tộc Mông. Những điệu khèn cất lên trong những ngày lễ, ngày Tết, trong đời sống sinh hoạt thường nhật là tài sản tinh thần vô giá của người Mông Thái Nguyên.

  Ngoài ra,  người Mông Thái Nguyên vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống trong cưới xin, thờ cúng, tổ chức gia đình...

  Dân tộc Mông sinh sống rải rác khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhưng bà con vẫn giữ được những bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Bản sắc văn hoá độc đáo đó đã tạo nên một nét đẹp văn hóa riêng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

  Với người yêu thích thiên nhiên, yêu thích khám phá vùng đất mới, con người mới thì những bản Mông nằm nơi đỉnh núi mờ sương của Thái Nguyên sẽ là điểm đến lý tưởng. Bản Mông ở Thái Nguyên vẫn còn những nét hoang sơ và người Mông Thái Nguyên thì đôn hậu, chất phác...

Tùng Lâm

(Nguồn: baothainguyen.org.vn)

Tin Nổi bật

Tin Liên quan