Thành phố Thái Nguyên: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

11/12/2019 3:50:43 PM 3069

Thành phố Thái Nguyên được biết đến là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật của toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương đi đầu trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1502/QĐ-TTg công nhận T.P Thái Nguyên là đơn vị cấp huyện đầu tiên của Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 8/8 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí.

Năm 2017, TP. Thái Nguyên đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Ảnh: Xuân Huy)

Có thể đưa ra một dẫn chứng để thấy sự quan tâm của T.P Thái Nguyên đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng, khu vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, đó là: Sau 10 năm triển khai, tổng nguồn kinh phí huy động để thực hiện chương trình là 777,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng thành phố tự chủ động được là 338,5 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, địa phương đã quan tâm đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tính từ năm 2010 tới nay, T.P Thái Nguyên đã bê tông hóa 224,5km đường trục xóm và liên xóm; cứng hóa 83,5km đường nội đồng từ khu dân cư đến nơi sản xuất tập trung; xây dựng và cải tạo, nâng cấp 30 công trình thủy lợi; 194,5km kênh mương được cứng hóa, cải tạo, nâng cấp; xây mới 11 trung tâm văn hóa thể thao xã, 165/165 thôn, xóm được quy hoạch đất và xây dựng nhà văn hóa...

Trong xây dựng nông thôn mới, T.P Thái Nguyên là địa phương được đánh giá cao trong việc hạn chế nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên cho biết: Ngay từ thời điểm mới triển khai chương trình, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương thực hiện rà soát, thống kê, theo dõi sát tiến độ xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên; rà soát, lập danh sách để dừng, giãn tiến độ, cắt giảm đầu tư với công trình chưa thực sự cấp bách; ưu tiên nguồn vốn để trả nợ theo thứ tự ưu tiên trả nợ đã quy định. Đối với các công trình thực sự cấp bách thì đầu tư dứt điểm để hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi cân đối đủ vốn trả nợ theo nguồn vốn, số vốn còn lại sẽ bố trí khởi công mới. Các công trình mới chỉ được khởi công mới khi thật cần thiết và phải cân đối được nguồn vốn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, T.P Thái Nguyên cũng thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách như: Rà soát, triển khai quy hoạch các khu dân cư, thực hiện đấu giá các khu quy hoạch để tạo nguồn vốn đầu tư; thực hiện tiết kiệm chi ngân sách và dành một phần nguồn tiết kiệm chi để trả nợ các công trình xây dựng cơ bản. Chú trọng giải pháp phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực xã hội hóa hiệu quả; huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ tốt các nguồn lực hỗ trợ của cấp trên để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thanh toán nợ đọng. Nhờ vậy, tính đến hết năm 2018, T.P Thái Nguyên không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đinh Huệ, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đại biểu thăm quan trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP. Thái Nguyên tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Thanh Hiếu)

Một trong những điểm nhấn nổi bật nữa trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở T.P Thái Nguyên là quan tâm đầu tư cho sản xuất, giúp hoàn thành và nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trên cơ sở đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, hàng năm, UBND thành phố chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Đồng thời, thường xuyên đánh giá hiệu quả sản xuất của các hợp tác xã, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường nghiên cứu, đổi mới cách thức sản xuất phù hợp như: nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… để duy trì và mở rộng các HTX, ngành nghề nông thôn làm ăn có hiệu quả, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân là trọng tâm trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, từng bước giải quyết việc làm cho người dân. Năm 2018 giá trị sản phẩm/01 ha đất nông nghiệp bình quân của T.P Thái Nguyên đạt 120 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 34 triệu đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cũng giảm nhanh qua từng năm. Đến này, số hộ nghèo trên địa bàn 11 xã của thành phố là 500 hộ, chiếm tỷ lệ 2,38%; hộ cận nghèo là 1,79%.

Tính từ năm 2010 tới nay, T.P Thái Nguyên đã bê tông hóa 224,5km đường trục xóm và liên xóm

Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm chú trọng. Theo đánh giá của ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được nâng lên; hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng đi vào chiều sâu đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực; người dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường; thường xuyên tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng hoa hai bên lề đường tạo thành những con đường hoa rực rỡ sắc màu và tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Có thể khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại T.P Thái Nguyên đã tạo nên những bước đột phá, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự ngày càng được củng cố vững chắc. Điều quan trọng, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng, tạo ra sức lan toả lớn và thật sự mang lại hiệu quả. Người dân là chủ thể thực hiện, đồng thời được lợi ích thiết thực từ chương trình.

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Trần Nhung


 

 

Tin Nổi bật

Tin Liên quan