Thông tin chung về Thành phố Thái Nguyên

2/8/2012 3:21:42 PM 3974

UBND TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên Địa chỉ: Số 10 - Đường Nguyễn Du - phường Trưng Vương - TP. Thái Nguyên ĐT: 0280 3759452 Email:ubndtp@thainguyen.gov.vn website:http://thainguyencity.gov.vn

Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc: có vị trí thuận lợi, quan trọng trong việc phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam

- Là 1 trong 3 trung tâm giáo dục- đào tạo lớn trong cả nước.

- Đầu mối giao thông trực tiếp với Thủ Đô Hà Nội có đường sắt, đường sông, quốc lộ số 3 dài 80 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 Km. 

- Là cửa ngõ đi các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.

- Là thành phố công nghiệp, thành lập từ 1962 (tiền thân là thị xã Thái Nguyên).

Thành phố Thái Nguyên: Khẳng định vị thế đô thị trung tâm vùng

Vị thế về vị trí địa lý

TP Thái Nguyên nằm ở trung tâm tỉnh Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Có QL 3 nối Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng, QL 1B đi Lạng Sơn, Quốc Lộ 37 đi Bắc Giang, Tuyên Quang. Mạng lưới đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và Lưu Xá - Kép, đây là tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng trong vùng. TP Thái Nguyên có hai con sông lớn chảy qua: Sông Cầu và sông Công rất thuận lợi cho giao thông thủy trong vùng. Hệ thống đường giao thông liên tỉnh khá hoàn chỉnh nối liền trung tâm thành phố với các huyện và thị trấn trong tỉnh. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được khởi công xây dựng năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội và TP Thái Nguyên. Đó chính là những lợi thế để TP Thái Nguyên đẩy mạnh giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các vùng miền trong cả nước.

Do ở vị trí tiếp giáp giữa vùng rừng núi và đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ thuận lợi, TP Thái Nguyên trở thành nơi trao đổi các nguồn hàng. Ngay từ thời trước, bến sông Đồng Mỗ, dù nhỏ hẹp nhưng là nơi thường xuyên ra vào của các loại thuyền bè. Các hàng lâm thổ sản miền ngược theo bè mảng xuôi về cập bến Đồng Mỗ, rồi tiếp tục chuyển về xuôi. Vào những mùa nước to, thuyền lớn từ Đáp Cầu (Bắc Ninh) ngược dòng sông Cầu, thả neo tại bến Đồng Mỗ để đưa hàng tới các huyện miền núi. Mối quan hệ giữa TP Thái Nguyên với các địa phương trong và ngoài tỉnh được tăng cường. Hàng hoá, sản vật trao đổi giữa miền núi và miền xuôi phần lớn đều đi qua và tập kết ở TP Thái Nguyên, khiến nơi đây trở thành một trong những đầu mối giao thương ở khu vực phía Bắc.

Hiện nay, TP Thái Nguyên có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ngay trung tâm TP là một quần thể kiến trúc quan trọng trong kiến trúc đô thị. Bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của 54 tộc người trên toàn quốc. Phía tây Bảo tàng là khu đồi cao, nơi lưu dấu tích của tòa nhà Chánh xứ Pháp tồn tại trên 100 năm, dưới lòng đất là đường hầm dẫn tới nơi làm việc của Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc thời kỳ chống Mỹ cứu nước; phía bắc Bảo tàng là vườn hoa cây xanh bên dòng sông Cầu. Liền kề vườn hoa sông Cầu là Quảng trường 20-8, Trung tâm hội nghị Văn hóa, nhà thi đấu đa năng, sân vận động với sức chứa trên 3 vạn người, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và TP.

Vị thế đô thị văn minh hiện đại

TP Thái Nguyên đặc biệt coi trọng yếu tố xanh - sạch - đẹp trong xây dựng và phát triển thành phố. Hệ thống hạ tầng đô thị đã và đang được hoàn thiện, với trên 100km điện chiếu sáng, đảm bảo 100% các đường phố chính được chiếu sáng và trên 30km điện chiếu sáng ở đường các khu dân cư, cùng với hệ thống điện trang trí nhiều sắc màu, làm cho TP rực rỡ hơn về đêm. Toàn thành phố hiện nay có khoảng 18ha cây xanh tương đương với mật độ che phủ 20%, được bố trí hài hòa vừa tạo bóng mát, vừa làm đẹp mỹ quan cho TP. Năm 2009, TP Thái Nguyên được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 đô thị sạch trên toàn quốc.

Vị thế của TP thép kiên cường

TP Thái Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng: vừa là cửa ngõ phía Bắc, vừa là áo giáp che chở kinh thành Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội ngày nay. Xưa kia thành Thái Nguyên là một vùng trọng yếu. Bởi vậy, ngay từ thời trước, phong kiến phương Bắc thường lấy miền đất này làm điểm tập kết để tiến đánh kinh thành Thăng Long, vừa là một căn cứ phòng thủ mỗi khi chúng rút chạy. Năm 1959 Đảng và Chính phủ chọn Thái Nguyên để xây dựng Khu công nghiệp luyện kim đầu tiên và lớn nhất cả nước.

Nhân dân các dân tộc TP thép luôn tự hào về truyền thống anh hùng của mình. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc TP Thái Nguyên đã đóng góp một phần không nhỏ sức người, sức của cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Năm 1998 TP Thái Nguyên vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 2007 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 11 đơn vị thuộc TP đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Vị thế là trung tâm y tế vùng

TP Thái Nguyên là nơi tập trung 9 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Trung ương và địa phương như Bệnh viện đa khoa Trung ương, bệnh viện lao, bệnh viện mắt, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện phục hồi chức năng.....với trên 3.000 giường bệnh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và điều trị cho nhân dân trong vùng. Ngoài ra còn có 5 trung tâm trực thuộc sở y tế làm công tác dự phòng và chỉ đạo chuyên môn. Với vai trò là trung tâm y tế vùng, các bệnh viện đã triển khai, đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại về hồi sức cấp cứu, ngoại sản, truyền máu, xét nghiệm và các kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, siêu âm xuyên sọ, điều trị bằng laze.... nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho nhân dân, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Vị thế về giáo dục - đào tạo

Là trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, trên địa bàn TP có gần 30 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành giáo dục, nông nghiệp, y tế, kinh tế và công nghiệp, trong đó chủ lực là Đại học Thái Nguyên, với 19 đơn vị thành viên, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo từ dạy nghề đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nơi đào tạo nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Sự phát triển lớn mạnh của Đại học Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của TP. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật được thành lập, hoạt động ổn định, ngày càng phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh.

Vị thế là trung tâm văn hoá lịch sử truyền thống

TP Thái Nguyên được biết đến với khu du lịch nổi tiếng hồ Núi Cốc và gần 100 di tích lịch sử, trong đó có cụm di tích Đền thờ Đội Cấn, nhà Lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi ghi dấu một sự kiện vang dội cả nước, làm chấn động nước Pháp và các nước thuộc địa, đó là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra tại thị xã Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. TP Thái Nguyên còn nổi tiếng với thương hiệu chè Tân Cương. Hiện nay vùng chè đặc sản Tân Cương được thành phố quy hoạch thành cụm làng nghề và trở thành địa điểm hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế góp phần phát huy, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, TP Thái Nguyên đã được Chính phủ công nhận là  đô thị loại I. TP tiếp tục tập trung cao độ cho phát triển kinh tế, phát triển tiềm năng du lịch, dịch vụ, quản lý tốt quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng TP phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế có vai trò tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

 

Tin Nổi bật

Tin Liên quan