Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

3/23/2012 10:49:03 AM 16123

Tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, chính vì thế năm 2012 Chính phủ đã chọn là năm An toàn giao thông (ATGT).

Thực hiện chủ đề này, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường thanh tra, kiểm tra…  

Ông Vũ Đình Chiến, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên đang học lái xe ô tô hạng B2 tại Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải (Sở Giao thông – Vận tải) cho biết: Tôi nghĩ học lái xe là học cho mình, không chỉ để được cấp bằng mà sau này khi lưu thông trên đường còn rất nhiều tình huống phải xử lý, vì thế, tôi đã sắp xếp công việc gia đình để đi học đầy đủ 15 buổi lý thuyết và các buổi thực hành. Khi ra bãi tập, các giáo viên hướng dẫn rất nhiệt tình, tôi luôn chú ý lắng nghe và thực hiện theo những hướng dẫn của giáo viên. Tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, nguyên nhân phần lớn đều do lái xe bất cẩn, không tập trung… dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

 Cũng chung suy nghĩ đó, anh Đặng Minh Tuấn, giáo viên dạy thực hành tại Trường cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, hàng năm, đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đều được tập huấn. Tôi đã dạy nhiều lớp và rút được kinh nghiệm, đối với những học viên nắm chắc lý thuyết khi ra bãi thực hành sẽ tiếp thu nhanh hơn. Tuy nhiên, học lái xe cũng đòi hỏi người học phải biết quan sát, nhanh nhạy thì xử lý tình huống sẽ nhanh và an toàn hơn.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghiệp Việt Bắc Vinacomin thông tin: Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, tiến tới thực hiện cấp GPLX mới theo Đề án của Bộ Giao thông - Vận tải, Trường đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại phòng thi lý thuyết, trang bị thêm máy quét ảnh để nhập dữ liệu học sinh theo hồ sơ mẫu cấp GPLX mới, nâng cấp hệ thống trung tâm sát hạch...

 Trước đó, chúng tôi đã đầu tư 8 xe sát hạch hạng B, 3 xe hạng C với kinh phí gần 3 tỷ đồng, nâng tổng số đầu xe của Trường lên trên 40 chiếc. Năm 2012, trong chương trình đào tạo lái xe, Trường dành cho mỗi học viên 2 giờ thực hành trên xe thiết bị (trước đây không có) để các học viên có điều kiện làm quen với bài thi sát hạch. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng được học tập nâng cao trình độ, hiện trường có 38 giáo viên dạy lái xe đáp ứng chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải. Nhờ đó, tỷ lệ học viên tốt nghiệp lần 1 được cấp GPLX đạt trên 95%.

 Theo thông tin từ Sở Giao thông – Vận tải, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị đào tạo cấp GPLX đang hoạt động (trong đó có 8 cơ sở đào tạo cấp GPLX ô tô, 2 cơ sở đào tạo cấp GPLX mô tô); Trung tâm sát hạch lái xe loại 1, 2 gồm 2 trung tâm, loại 3 gồm 7 trung tâm. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã đào tạo được 127 khóa học, cấp GPLX ô tô cho 11.066 người, nâng tổng số GPLX ô tô của toàn tỉnh lên 57.628 người.

 Đồng chí Lê Hải Linh, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Đề án đổi giấy phép lái xe mới nhằm quản lý lái xe, cùng với quản lý chất lượng đào đạo, sát hạch là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông trong năm 2012. Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, bên cạnh các cơ sở đào tạo chủ động đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… Sở cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động này.

 Trong năm 2011, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra được 33 cuộc, trong đó có 26 kỳ sát hạch cấp GPLX A1, 7 kỳ sát hạch cấp GPLX ô tô. Ban Quản lý sát hạch thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc bộ phận cấp đổi GPLX tại bộ phận một cửa; thực hiện công bố niêm yết các thủ tục hành chính, triển khai chương trình ISO 9001-2008… Đối với các kỳ sát hạch cấp GPLX, Ban quản lý sát hạch tiến hành các bước chuẩn bị hồ sơ, nhân sự, thiết bị, phương tiện để kỳ sát hạch diễn ra an toàn, đảm bảo chất lượng. Sau mỗi kỳ sát hạch, hội đồng tiến hành họp đánh giá, xem xét các khiếu nại của thí sinh, rút kinh nghiệm, thông qua kết quả chấm điểm công nhận thí sinh trúng tuyển… Cùng với đó, thời gian gần đây có hiện tượng cung vượt cầu, do đó các trường dư thừa xe, giáo viên nên đã chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nhằm thu hút học viên. Nhờ đó, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2011 đạt trên 80%, có trường đạt trên 90% như Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Bắc Vinacomin, Trường dạy nghề số 1 (Bộ Quốc phòng)…

Theo Báo Thái Nguyên

Tin Nổi bật

Tin Liên quan