Chuyện dưới chân núi Guộc

5/7/2014 7:33:21 AM 2380

Sau nhiều ngày mưa liên miên, núi Guộc hiện ra trong nắng vừa rõ ràng vừa mờ ảo. Ngọn núi và xóm nhỏ cùng tên này ẩn chứa bao câu chuyện thú vị. Và giờ lại đang ẩn chứa nhiều nỗi niềm…

 

Mảnh đất lịch sử 

Nhìn từ xa, núi Guộc như lằn ranh giới khổng lồ dài gần 1km nằm giữa xóm Nam Hưng và Guộc (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên). Lại gần hơn nữa, lại thấy núi là một rừng mướt màu bạch đàn, keo tai tượng. Trèo lên đỉnh núi mà nhìn xuống, cả vùng phong cảnh của thành phố, của hồ Núi Cốc vẽ ra trước mắt. Nhưng không chỉ có thế, mảnh đất được dãy núi Guộc che chắn kín đáo, vừa rộng rãi bằng phẳng, vừa phì nhiêu này còn là nơi đóng quân của Trường Du kích Lam Sơn.

Lịch sử còn ghi: Sau chiến thắng Việt Bắc 1947, Trung ương mở rộng chiến tranh du kích. Năm 1948, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội thành lập Trường Du kích Lam Sơn để đào tạo cán bộ chỉ huy quân du kích từ huyện đội phó trở lên, mỗi khóa có 35-60 học viên học trong 6 tháng, phụ trách Trường là đồng chí Trần Chính và Nguyễn Thế Bảo. Đến năm 1950, Trường chuyển về Phú Bình. 

Địa điểm Trường Du kích Lam Sơn xưa, nay là cánh đồng chè cành mơn mởn. Nhưng có một điều thú vị chưa hẳn ai cũng biết, chính tại nơi Trường đóng quân, năm 1922 là đồn điền của ông Vũ Văn Hiệt, còn gọi là Đội Năm (xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), người lần đầu tiên mang chè về trồng và làm xưởng chế biến chè. Thương hiệu chè "Cánh Hạc" của ông Đội Năm ra đời chính từ nơi đây nổi tiếng trong nước và xuất khẩu sang Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc. Ông Đội Năm trở thành ông Tổ chè Tân Cương như nhiều người đã biết. 

Năm 1999, xóm Guộc được chia thành 2 xóm: Guộc và Lam Sơn. Ông Phạm Xuân Hợi (sinh năm 1959), Trưởng xóm Lam Sơn đang ở trên mảnh đất đặt Xưởng chế biến chè của ông Đội Năm, kể: Bố mẹ tôi ngày trước đều làm thuê cho ông Đội Năm. Vườn bãi sau này đào lên thấy toàn tro, than. Thời bé, tôi và trẻ con của xóm thường chơi bên cây dạ hương, cây quếch, giếng nước ông Đội. 

Dấu vết vườn chè xưa không còn, nhưng có một điều người xóm Guộc và Lam Sơn luôn tự hào: 10 năm trước (2004), người dân ở đây đã tổ chức thành công Hội chè xuân xóm Guộc. Qua từng năm, hội chè cấp xóm đã có bước đi ngoạn mục, trở thành Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên như bây giờ.

Cây chè đang “teo” trên đất chè 

Đó là điều khiến ông Phạm Ngọc Việt, Bí thư Chi bộ xóm Guộc trăn trở. Là người hăng hái tổ chức Hội chè xuân xóm Guộc năm nào, nhưng nhà ông giờ chỉ còn một vườn chè nhỏ, thay vào 6 sào chè trước đây nay toàn “trồng cây vớ vẩn” (như ông nói). Chẳng riêng nhà ông Việt, nhà ông Đỗ Hoàng Liên trước thu 8 tạ đến 1 tấn chè khô/năm, nay chỉ còn 1/10. Cả xóm trước có 240 sào đất chè nay phần lớn biến thành vườn…keo. Lý do cây chè đang “teo” đi trên vùng đất phát tích chè Tân Cương nức tiếng này rất đơn giản: Thiếu lao động và thiếu nước. Ông Việt tâm tư: Thanh niên hầu hết đi làm ăn xa, ở nhà phần lớn là người già. Thêm vào đó là cái sự khan hiếm nước. Có 4 nhà gần suối là đủ nước làm chè vụ đông, còn thì cũng chỉ “nhúc nhắc” thu hoạch vụ hè. 

Xóm Lam Sơn cũng vậy, nhà ông Hợi (Trưởng xóm) trước có 7 sào chè, nay chỉ còn 3 sào. Nhà các ông bà: Cao Xuân Bôn, Hoàng Trọng Thanh, Nguyễn Thị Thanh là những người đứng “đầu bảng” làm chè của xóm nay diện tích chè “teo” đến 2/3.

Do đất chè chuyển sang trồng keo nên ở xóm Guộc và Lam Sơn có tình trạng “tranh chấp” giữa 2 loại cây này. Vườn keo làm cớm nắng vườn chè sinh điều qua tiếng lại hoặc có người đành bỏ chè chuyển sang trồng keo. 

Tuy thế, điều khiến tôi day dứt khi chia tay núi Guộc lại không phải chuyện về cây chè. Cả hai ông là Phạm Xuân Hợi và Phạm Ngọc Việt đều tâm tư: Chúng tôi muốn bày tỏ điều này với chị: Tân Cương được chỉ dẫn địa lý toàn quốc về du lịch và sản phẩm chè, được đầu tư làm du lịch cộng đồng và đã khá nổi danh toàn quốc. Nhưng Tân Cương đang bị “đầu độc” và ô nhiễm nặng bởi bãi rác, trại lợn và xưởng chế xuất dầu. Chúng tôi đã kiến nghị, báo chí cũng đã lên tiếng mà đâu vẫn hoàn đấy…

Minh Hằng

nguồn: baothainguyen.org.vn

Tin Nổi bật

Tin Liên quan